Thứ Tư, 12/06/2013, 14:35 (GMT+7)
.

Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức đối với ngành Dệt may

Đó là nhận định qua Hội thảo Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (DMVN) phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức vào ngày 7-6. Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và hơn 40 doanh nghiệp dệt may của các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang và Đồng Tháp đã tham dự.

CƠ HỘI

Hiệp hội DMVN cho rằng, tham gia vào Hiệp định TPP sẽ mang đến những cơ hội giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại, giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua thông điệp Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo “cú hích” mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam.

Công nhân Công ty CP May Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho) trong giờ lao động.
Công nhân Công ty CP May Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho) trong giờ lao động.

Với những cơ hội trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DMVN cho rằng, Hiệp định TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam nhờ vào những ưu đãi về thuế suất nhập khẩu của các nước thành viên đối với ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may.

Hiện cả nước với gần 4.000 doanh nghiệp và khoảng 2,5 triệu lao động, năm 2012 ngành DMVN đã tạo doanh thu 20 tỷ đô la Mỹ, chiếm 15% GDP. Trong đó, xuất vào thị trường Mỹ chiếm 50%; EU 15%; Nhật Bản 12%; Hàn Quốc 6% tổng kim ngạch.

Riêng Tiền Giang, với trên 50 doanh nghiệp, trong đó có 16 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, năm 2012 ngành Dệt may của tỉnh xuất khẩu được 12,7 triệu sản phẩm, với kim ngạch xuất khẩu đạt 144,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai sau ngành chế biến thủy sản, có tốc độ tăng trung bình hàng năm là 22,9%. 

Hiện thuế suất trung bình của hàng DMVN vào Mỹ là 17,5% và EU là 9,6%. Với TPP, các bên tham gia đàm phán muốn đưa thuế xuất của tất cả các mặt hàng về 0%, còn với đàm phán FTA Việt Nam - EU thì các bên muốn đưa ngay 90% các dòng thuế về thuế xuất 0%, trong đó có dệt may.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DMVN còn phân tích thêm, với tất cả các nước dệt may trên thế giới, Trung Quốc luôn là đối thủ đáng gờm. Việc Trung Quốc chưa tham gia đàm pháp TPP và EU chưa có ý định đàm phán FTA với Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội to lớn giúp DMVN gia tăng xuất khẩu vào Mỹ và EU khi các Hiệp định TPP và FTA với EU được ký kết.

Bên cạnh đó, DMVN còn có thêm điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu sang các nước như: Canada, Peru, Autralia và Chile vốn là những nước đang tham gia tiến trình đàm phán TPP.

THÁCH THỨC

Theo thông tin từ Đề án Khảo sát và thống kê ngành Dệt may 2013 (của Hiệp hội DMVN) được nêu ra tại hội thảo, thì Hiệp định TPP cũng có tác động không nhỏ đối với các doanh nghiệp DMVN. Theo đó, Hiệp định TPP đề xuất áp dụng công thức “từ sợi trở đi” (Yarn Forward). Điều này có nghĩa các khâu đoạn từ kéo sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên TPP.

Căn cứ hiện trạng ngành Dệt may tại các nước TPP thì có thể thấy với DMVN, để được hưởng thuế suất 0%, tất cả các khâu đoạn nêu trên chỉ có thể làm tại Việt Nam mà thôi. Chính điều này đã gây ra nhiều trở ngại cho DMVN, bởi phân khúc dệt - nhuộm - hoàn tất đang là nút “thắt cổ chai” của toàn ngành. Hệ quả của tình trạng này là ngành DMVN phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên, phụ liệu (chủ yếu là vải) từ nước ngoài (88% tổng nhu cầu) mà phần lớn những nước này lại không nằm trong TPP.

Hiệp định TPP là gì?

Hiệp định TPP (tên tiếng Anh là Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là một hiệp định thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Hiệp định TPP hội tụ 12 quốc gia thành viên gồm: Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Hoa Kỳ, Autralia, Peru, Malaysia, Việt Nam, Mexico, Canada, Nhật.
Theo Hiệp hội DMVN, trong hội thảo gần đây nhất tại Việt Nam do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức, phía Hoa Kỳ thông tin rằng tổng thống của nước này mong muốn Hiệp định TPP phải được ký trong năm 2013. Thời gian dự kiến từ ngày 1-8 tháng 10-2013 tại Bali (Indonesia), bên lề hội nghị thường niên APEC.

Theo con số mà Hiệp hội DMVN cung cấp tại hội thảo, hiện cả nước có 5 triệu cọc sợi và hàng năm sử dụng 820.000 tấn nguyên liệu gồm bông tự nhiên chiếm 420.000 tấn và xơ các loại chiếm 400.000 tấn. Thế nhưng, năm 2012 bông nhập khẩu là 415.000 tấn (chiếm 99%) và bông trong nước chỉ đáp ứng được 1% (5.000 tấn); về xơ các loại, tổng nhập khẩu năm 2012 là 220.000 tấn, chiếm 54%.

Ngành may năm 2012 có nhu cầu sử dụng 6,8 tỷ mét vải trong khi tổng lượng vải sản xuất trong nước đạt khoảng 0,8 tỷ mét, nhập khẩu 6 tỷ mét (tương đương 88%).

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, mặc dù mang lại doanh thu cao nhưng giá trị gia tăng tạo ra từ ngành Dệt may của tỉnh không nhiều do phần lớn nguồn nguyện, phụ liệu phải nhập khẩu và sản xuất chủ yếu dưới hình thức gia công.

Theo các đại biểu dự hội thảo, để ngành DMVN phát triển ổn định, bền vững trong chuỗi dệt may toàn cầu, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản. Đó là phải phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành để sản xuất nguyên liệu trong nước, thay thế nguyên liệu nhập khẩu; ngành thiết kế cần được củng cố và nâng cấp, phương thức gia công ngày càng được thu hẹp, từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm nhập khẩu từ nước ngoài, giảm chi phí sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài.

Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ xem xét và cập nhật định hướng chiến lược đã có trước đây; xây dựng chính sách cho dệt may; quy hoạch các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành, đặc biệt là ngành dệt nhuộm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển dệt nhuộm trong nước; liên kết chuỗi cung ứng đến thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Hoa Kỳ; cải tiến nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm may mặc, đồng thời khai thác thị trường nội địa.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.