Thứ Hai, 17/06/2013, 14:09 (GMT+7)
.

Trợ vốn và chuyển giao KH-KT: Đòn bẩy nâng cao hiệu quả sản xuất

Tân Phú Đông được bao bọc bởi hai nhánh sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, với chế độ bán nhật triều nên hàng năm có khoảng 4 tháng nước ngọt và 8 tháng nước mặn. Năm 2001, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự án Phú Thạnh - Phú Đông có chiều dài 21 km, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 2.874 ha, trong đó có 2.012 ha đất lúa (xã Phú Thạnh: 946 ha, Phú Đông: 1.066 ha).

Trước đây, trong vùng dự án chỉ sản xuất một vụ lúa ăn chắc, chủ yếu là giống lúa mùa địa phương, năng suất bình quân thấp, chỉ đạt 3 tấn/ha…Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, nhất là ngành Nông nhiệp tỉnh, huyện đã kịp thời chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, làm tốt công khuyến nông, bảo vệ thực vật… trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông nên bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ lúa mùa địa phương sang trồng các giống lúa chất lượng cao như: VD 20, OM 6979, OM 4900, OM 3536, OM 2517 và AS 996, sản xuất từ 1 lên 2 vụ/năm và năng suất cũng tăng từ 3,9 tấn/ha năm 2008 lên 4,1 tấn/ha năm 2012.

Tuy nhiên, do thường xuyên thiếu nguồn nước tưới cho đầu vụ và cuối vụ, nhiều diện tích lúa năng suất thấp đã được bà con chuyển sang trồng màu dưới chân ruộng như sả, ớt, bắp và các loại rau màu khác ở các ấp: Cả Thu 1, Cả Thu 2, Tân Phú, Giồng Keo, Bà Lắm ( xã Phú Thạnh), ấp Gảnh, Bà Tiên 1, Bà Tiên 2… (xã Phú Đông) đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp và xóa thế độc canh cây lúa trong vùng dự án theo mô hình 1 lúa 1 màu, nhằm tăng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Thu hoạch lúa trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông.
Thu hoạch lúa trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông.

Thế nhưng, nhìn trên tổng thể thì tình hình sản xuất trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có biện pháp tháo gỡ, nhất là đối với lúa hè thu chính vụ, do bà con nông dân theo tập quán cũ, xuống giống bằng phương pháp sạ khô, gặp khi thời tiết thay đổi, trời nắng nóng, khô hạn thì phèn mặn dễ bộc phát, trong khi thiếu nước ngọt để bơm tưới, làm cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn hoặc giảm năng suất.

Hàng năm, hệ thống cống trong vùng dự án như các cống: Bà Tài, Rạch Mương, Rạch Gốc... đều được vận hành mở lấy nước phục vụ sản xuất vào khoảng giữa tháng 7 dương lịch, khi nước ngoài sông có độ mặn cho phép khoảng 2‰. Qua đó, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo lịch xuống giống từ giữa đến cuối tháng 7 dương lịch.

Tuy nhiên, đa số bà con nông dân không tuân thủ mà thường xuống giống lúa vào khoảng mùng 5-5 âm lịch (độ giữa tháng 6 dương lịch) bằng phương pháp sạ khô, do thời tiết bất lợi nên lúa phát triển kém. Cụ thể, trong vụ lúa hè thu chính vụ năm 2012, trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông có tới 156 ha lúa bị chết do thiếu nước. Chỉ có sản xuất lúa vụ thu đông là tương đối thuận lợi. Toàn vùng giao sạ 1.966 ha, trong điều kiện nguồn nước được bảo đảm, năng suất bình quân đạt từ 4,1 - 4,5 tấn/ha, chất lượng lúa  khá cao, bán được giá.

Về hoa màu các loại, toàn vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông có tổng diện tích 1.500 ha. Trong đó, cây bắp có 40 ha được trồng trên nền đất lúa, năng suất thu hoạch bình quân 30.000 trái/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi ha trồng bắp, nông dân thu lợi 21,5 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ trồng bắp thu nhập khá như các ông: Dương Minh Sơn, Nguyễn Văn Tùng, bà Trần Thị Búp (ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông), ông Nguyễn Văn Hiền (ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh)...

Đối với cây ớt, diện tích hiện có 758 ha, tăng hơn 500 ha so với khi mới thành lập huyện. Năng suất thu hoạch bình quân 13 tấn/ha, có nhiều hộ trồng ớt điển hình như: Ông Võ Văn Ngộ (ấp Bà Lắm), ông Phạm Minh Hùng (ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh); ông Nguyễn Văn Cang (ấp Bà Tiên 1), ông Nguyễn Văn Thảo (ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông)… sau 3 tháng trồng, lợi nhuận của hộ trồng ớt đạt gần 56 triệu đồng/ha, tăng gấp 7 lần so với trồng lúa.

Đáng chú ý là cây sả, hiện được xem là cây màu chủ lực trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông, với 600 ha, có nhiều khả năng tiếp tục được mở rộng diện tích trong thời gian tới, bởi do giá bán thường xuyên ổn định từ 4.300 - 5.000 đồng/kg. Năng suất thu hoạch bình quân 20 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng sả thu lợi nhuận 32 triệu đồng, cao hơn 4 lần so với trồng lúa.

Với các kết quả trên cho thấy, bên cạnh sản xuất 2 vụ lúa/năm thì mô hình luân canh 1 lúa 1 màu là hoàn toàn phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông, đang được ngành Nông nghiệp huyện vận động hướng dẫn bà con nông dân áp dụng trong vụ sản xuất hè thu chính vụ năm 2013. Theo đó, chọn 20 hộ dân có diện tích 10 ha của hai ấp Giồng Keo, Tân Phú (xã Phú Thạnh) và 20 hộ có diện tích 8 ha của hai ấp Bà Tiên 1, Bà Tiên 2 (xã Phú Đông) để thực hiện mô hình trình diễn trồng màu dưới chân ruộng lúa như ớt, bắp, đậu xanh… sau đó nhân rộng ra các nơi còn lại.

Các hộ nông dân tham gia mô hình trình diễn này được hỗ trợ một phần kinh phí về giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật của ngành Nông nghiệp; đồng thời duy trì, phát triển mô hình trồng sả dưới chân ruộng và hướng dẫn bà con nông dân lên mô cao để tránh ngập úng trong mùa mưa bão.

Theo kế hoạch thì diện tích sản xất lúa trong vụ hè thu chính vụ và thu đông năm 2013 của toàn vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông khoảng 2.000 ha. Đối với vụ hè thu, ngành Nông nghiệp khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống từ ngày 15 đến 25-7 với cơ cấu giống theo tỷ lệ  20% lúa thơm, 70% lúa chất lượng cao và 10% lúa thường, gồm các giống: OM, AS 996 và PC 10; vụ thu đông chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp, ngân hàng và chính quyền cơ sở đã tiến hành các bước hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động, tuyên truyền, nhắc nhở bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ, cũng như cơ cấu giống lúa để bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong vùng sản xuất thuộc dự án Phú Thạnh - Phú Đông trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

HỮU DƯ

.
.
.