Thứ Hai, 15/07/2013, 12:43 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Chuyển dịch cây ăn trái đúng hướng mang lại hiệu quả cao

Chỉ trong vòng 10 năm qua, các xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy phát triển nhanh diện tích vườn cây ăn trái với hơn 18.500 ha, sản lượng hàng năm trên 260.000 tấn trái cây. Chọn cây trồng phù hợp để phát huy tiềm năng đất đai, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, nhiều nông dân ở huyện đã vươn lên khấm khá.

 Ông Ngô Văn Út Một (xã Mỹ Long), bên vườn vú sữa cho thu hoạch 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Ngô Văn Út Một (xã Mỹ Long), bên vườn vú sữa cho thu hoạch 300 triệu đồng mỗi năm.

Với 10 công vườn chuyên canh vú sữa Lò Rèn, ông Ngô Văn Út Một (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Long) thu về lợi nhuận mỗi năm 300 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông được bình chọn là “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh”. Ông cho biết, thành quả hôm nay phải kể đến việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng.

Trước đây, gia đình ông có 5 công đất ruộng, vì là đất gò nên năng suất thấp, kinh tế không mấy khả quan. Sau khi tham quan một số vườn ở “cái nôi vú sữa Lò Rèn” (Vĩnh Kim, Châu Thành), năm 2002 ông quyết định lên vườn chuyên canh vú sữa Lò Rèn. Sau 10 năm chuyển đổi, ông  có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, mua thêm 5 công đất để mở rộng diện tích chuyên canh loại cây trồng đặc sản này. Không chỉ vậy, ông còn nắm vững kỹ thuật xử lý để cây cho trái sớm, tránh tình trạng dội chợ, rớt giá.

Từ thành công của những nông dân như ông Một, diện tích chuyên canh vú sữa Lò Rèn ở xã Mỹ Long những năm gần đây tăng nhanh chóng, được đánh giá là cây trồng  có nhiều triển vọng.

Ông Mai Văn Bằng (xã Cẩm Sơn) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân xã Cẩm Sơn về hiệu quả trồng bưởi da xanh xen mít Thái siêu sớm.
Ông Mai Văn Bằng (xã Cẩm Sơn) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân xã Cẩm Sơn về hiệu quả trồng bưởi da xanh xen mít Thái siêu sớm.

Riêng mô hình xen canh bưởi da xanh và mít Thái siêu sớm của ông Mai Văn Bằng (ấp 4, xã Cẩm Sơn) lại là minh chứng khác về thành công của chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cách đây hơn 10 năm, ông Bằng cũng vất vả quanh năm với ruộng lúa và vườn nhãn kém hiệu quả vì lũ lụt gây thất bát liên miên. Năm 2001, khi xã Cẩm Sơn được đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín, ông chuyển toàn bộ đất ruộng lên vườn và chuyên canh bưởi da xanh.

Ông chia sẻ kinh nghiệm: Thời gian đầu, ông không đốn bỏ hết vườn nhãn mà vẫn để nhằm che mát cho vườn bưởi mới trồng và tạo thu nhập đầu tư cho cây bưởi trong thời gian cây còn nhỏ. Cây nhãn được ông loại bỏ dần khi tán bưởi da xanh phát triển và bước vào giai đoạn thu hoạch. Với giá bán luôn ổn định ở mức cao, cây bưởi da xanh đã giúp ông vươn lên khá giả và có điều kiện mua thêm đất mở rộng diện tích vườn.

Ba năm nay, ông còn xen canh mít Thái siêu sớm vào vườn bưởi đang cho thu hoạch. Thu nhập mỗi năm từ 10 công vườn xen canh bưởi da xanh và mít Thái siêu sớm (trong đó có 6 công đang cho thu hoạch ổn định) trên 100 triệu đồng. Mô hình sản xuất giỏi của ông được Hội Nông dân xã Cẩm Sơn khuyến khích và trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho nhiều nhà vườn khác trong khu vực.

Theo Hội Nông dân huyện Cai Lậy, từ năm 2000 khi hệ thống đê bao khép kín được đầu tư xây dựng, các xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy đã phát triển nhanh và ổn định diện tích vườn cây ăn trái với các giống cây trồng chủ lực như: Sầu riêng, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn...

Để tiếp sức cho nông dân phát huy lợi thế kinh tế vườn, các cấp Hội Nông dân huyện Cai Lậy kết hợp ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân thực hiện mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ đó, nông dân áp dụng vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế với 70% diện tích vườn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, tại các xã: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Khánh, Long Trung, Tân Phong và Nhị Quí đã hình thành vùng sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP với các loại cây trồng như sầu riêng, nhãn, chôm chôm, bưởi da xanh.

Với vai trò “cầu nối”, các cấp Hội Nông dân của huyện còn tuyên truyền, định hướng hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương. Từ đó, phát huy hiệu quả kinh tế vườn với nhiều hộ nông dân làm vườn thoát nghèo vươn lên khá, giàu, ổn định đời sống.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.