ĐBSCL: 117.500 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến đầu tháng 6-2013, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 117.489 tỷ đồng, tăng 6% so cuối năm 2012.
Trong số này, 22.167 tỷ đồng dành cho thu mua lúa gạo; cho vay thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu 28.533 tỷ đồng; cho vay nuôi và chế biến thủy sản là 35.290 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến gạo, thủy sản xuất khẩu là những sản phẩm có thế mạnh hàng đầu tại ĐBSCL. Chương trình mua tạm trữ lúa gạo đã tạo điều kiện cho giá lúa không bị giảm mạnh khi thu hoạch rộ, bảo đảm thu nhập hợp lý cho nông dân. Chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp nuôi và chế biến thủy sản, chủ yếu là tôm sú và cá tra đã góp phần tháo gỡ khó khăn đối với người nuôi và cơ sở chế biến thủy sản.
Chương trình cho vay mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu 2013 đã làm giảm khó khăn cho nông dân. Ảnh: Vân Anh |
Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo và thủy sản vùng ĐBSCL vẫn chưa hết khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và do một số nước áp dụng các rào cản kỹ thuật, áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam. Công tác quy hoạch, lập kế hoạch về nuôi, chế biến gạo, thủy sản xuất khẩu còn bất cập nên chưa quản lý được cung - cầu trên thị trường. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn liên tục xảy ra. Ngoài ra, việc cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình giảm giá xuất khẩu, giá thu mua cá nguyên liệu đã ảnh hưởng tới thu nhập người dân, uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam.
Nhằm khắc phục những tồn tại nói trên, NHNN kiến nghị các tỉnh ĐBSCL siết chặt công tác quy hoạch, lập kế hoạch về trồng, chế biến lúa gạo, khắc phục việc chỉ chú trọng tăng sản lượng lúa và số lượng gạo xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức tới chất lượng lúa gạo, dẫn đến giá gạo xuất khẩu thường thấp hơn giá của nhiều nước khác.
Các tỉnh ĐBSCL cần hướng tới việc tạm trữ lúa thay vì tạm trữ gạo như hiện nay vì thời gian tạm trữ lúa lâu hơn so với tạm trữ gạo. Qua đó, sẽ quản lý chặt hơn khâu phân phối và quản lý chặt hơn các đầu mối xuất khẩu, từ đó duy trì giá mua lúa gạo ổn định, bảo đảm người trồng lúa có thu nhập khá.
Bên cạnh đó, NHNN cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý sản xuất cá tra theo hướng quản lý chặt các đầu mối xuất khẩu, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay; quản chặt chất lượng cá nuôi và xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam; tăng liên kết giữa người nuôi và cơ sở chế biến xuất khẩu nhằm tạo chuỗi liên kết bền vững; từng bước thay thế thức ăn nhập khẩu bằng nguyên liệu trong nước, đồng thời chủ động vùng nguyên liệu nuôi để bảo đảm cung ứng nguồn thức ăn chăn nuôi hợp lý.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/Home/DBSCL-117500-ty-dong-cho-vay-phat-trien-nong-nghiep/20137/205723.vnplus)