Thứ Bảy, 06/07/2013, 06:43 (GMT+7)
.

ĐBSCL đẩy mạnh mô hình cây ăn trái đặc sản theo hướng VietGAP, GlobalGAP

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), mô hình trồng cây ăn trái đặc sản theo hướng VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL đang có sức lan tỏa mạnh, mở ra hướng đi mới trong việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững.

Các tỉnh ĐBSCL hiện xây dựng được 8 mô hình trồng cây ăn trái đặc sản theo tiêu chí GlobalGAP gồm vú sữa Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang), xoài cát Hòa Lộc (Nông trường Sông Hậu, TP. Cần Thơ), nhãn tiêu da bò (Đồng Phú, Long Hồ, Vĩnh Long), bưởi Năm Roi (Bình Minh, Vĩnh Long), chôm chôm (Chợ Lách và Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long), xoài cát chu (Cao Lãnh, Đồng Tháp) với tổng diện tích trên 143ha.

Nông sản chủ lực của Tiền Giang tại Triển lãm nông sản và thương mại trong khuôn khổ MDEC Tiền Giang - 2012. Ảnh: Vân Anh
Một số trái cây chủ lực của Tiền Giang. Ảnh: Vân Anh

Các tỉnh trong khu vực cũng xây dựng được 12 mô hình trồng cây ăn trái đặc sản theo tiêu chí VietGAP gồm dứa Queen (Tân Phước, Tiền Giang), bưởi da xanh (Châu Thành, Chợ Lách và TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre), chôm chôm tại Cai Lậy (Tiền Giang) và Châu Thành (Bến Tre), nhãn tiêu da bò tại Bình Đại (Bến Tre) và Cai Lậy (Tiền Giang), măng cụt tại Chợ Lách (Bến Tre), sơ ri Gò Công (Tiền Giang), dưa hấu Vị Thủy (Hậu Giang) và Duyên Hải (Trà Vinh), khoai lang Duyên Hải (Trà Vinh), xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang), thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), cam sành Cái Bè (Tiền Giang), rau các loại (TX. Gò Công, Tiền Giang) với tổng diện tích trên 263ha.

Tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chí GAP, trình độ sản xuất, tư duy kinh tế của nông dân được nâng lên, những hạn chế trong kỹ thuật canh tác được khắc phục và con đường làm ăn tập thể được khẳng định.

Trồng cây ăn trái đặc sản theo tiêu chí GAP được xem là con đường tất yếu để trái cây ĐBSCL hội nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung cũng như xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, trồng cây ăn trái đặc sản cho lợi nhuận kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa thâm canh năng suất cao.

Tại tỉnh Tiền Giang, nông dân trồng chuyên canh các giống cây ăn trái đặc sản đạt lợi nhuận bình quân 150-200 triệu đồng/ha. Những hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, nắm vững kỹ thuật xử lý để cây cho thu hoạch vào mùa nghịch đạt thu nhập cao gấp đôi so với hộ thu hoạch vào mùa thuận.

Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và các tỉnh ĐBSCL cũng phối hợp xây dựng, nhân rộng những vùng trồng cây ăn trái đặc sản theo hướng GAP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết 4 nhà nhằm giải quyết đầu ra cho trái cây một cách ổn định và có lợi nhất cho nông dân.

Hầu hết các hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái theo hướng GAP, Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), Hợp tác xã xơ ri Gò Công (Tiền Giang), Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), Tổ hợp tác chôm chôm Phú Phụng và Tổ hợp tác chôm chôm Tiên Phú (Bến Tre), Câu lạc bộ Bưởi Năm roi GlobalGAP Hậu Giang, Tổ hợp tác nhãn Long Hòa (Bến Tre)... đều ký kết liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị lớn để tiêu thụ trái cây GAP tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, mở ra hướng đi hiệu quả cho trái cây đặc sản ĐBSCL.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/Home/DBSCL-xay-mo-hinh-cay-an-qua-VietGAP-GlobalGAP/20137/205195.vnplus)

.
.
.