Thứ Hai, 08/07/2013, 11:54 (GMT+7)
.

Đông Hòa Hiệp & lợi thế phát triển du lịch

Xã Đông Hòa Hiệp (Cái Bè) có 7 ấp với gần 4 ngàn hộ dân sinh sống. Từ nhiều năm nay, nơi đây phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, chủ yếu là loại hình du lịch sinh thái sông nước, vườn cây ăn trái gắn với làng cổ… thu hút du khách đến với Đông Hòa Hiệp.

 Khách du lịch tham quan các ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp.
Khách du lịch tham quan các ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp.

Làm vườn là nguồn lợi chủ yếu, ngày nay nhà vườn Đông Hòa Hiệp phát triển theo hướng chuyên canh cây ăn trái như: xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò, nhãn… Bên cạnh đó, xã còn có lợi thế với các nghề thủ công truyền thống như: làm cốm, kẹo, bánh tráng, bánh phồng sữa…

Cùng với 2 thế mạnh này, Đông Hòa Hiệp thu hút du khách với những ngôi nhà cổ, là địa điểm thu hút du khách nhiều nhất để khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum suê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng.

Trong số đó, đáng chú ý là nhà cổ của ông Lê Quang Xoát (ấp An Thạnh) được xây dựng đầu thế kỷ XVIII, có diện tích hơn 700m2, theo kiến trúc cổ. Nhà cổ ông Đổ Văn Tòng (ấp Phú Hòa) được xây dựng cách nay 100 năm, theo kiến trúc cổ Nam bộ, kiểu chữ Đinh.

Nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m², bao gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh; trên các vì kèo, ô cửa… bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn như: Tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết mang đặc trưng văn hóa Nam bộ; trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: Bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm, đã được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “Cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam.

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 19.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi) mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp. Nhà được xây dựng vào năm 1850, trong nhà có lưu giữ các cổ vật quý hiếm như: 4 cây cột bằng gỗ căm xe; 3 bộ tủ thờ khảm xà cừ; bộ liễn khảm xà cừ; chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860; 9 bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa khung cảnh làng quê bình dị bên dòng sông.

Với thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn gắn với các ngôi nhà cổ, Đông Hòa Hiệp đã được tỉnh chọn làm nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Nam bộ; được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm tiêu biểu để phát triển mô hình du lịch nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2002, JICA đã tài trợ 1,8 tỷ đồng để trùng tu ngôi nhà cổ của ông Kiệt theo đúng nguyên bản. Ngôi nhà cổ của ông Đức cũng được JICA hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính trong quá trình trùng tu, sửa chữa. Đây chính là lợi thế lớn để Đông Hòa Hiệp tiếp tục bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng.

Làng Đông Hòa Hiệp là điểm nhấn trong tour du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn được Tiền Giang và chính quyền địa phương khai thác có hiệu quả trong những năm qua. Nhờ du lịch, diện mạo nông thôn Đông Hòa Hiệp đã khởi sắc. Trung bình mỗi năm làng cổ Đông Hòa Hiệp đón 100.000 lượt du khách (chủ yếu là khách nước ngoài) đến với mục đích chiêm ngưỡng kiến trúc các ngôi nhà cổ, tìm hiểu các nghề truyền thống, thưởng ngoạn những vườn cây ăn trái…

NGỌC HÂN

.
.
.