Thứ Sáu, 12/07/2013, 13:51 (GMT+7)
.

Gói TD mua nhà ở XH với LS thấp: Các vấn đề cần tháo gỡ

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện gói tín dụng mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Dù tích cực giải ngân gói tín dụng nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Ngày 15-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà  nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư 11 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Theo đó, NHNN dành 30.000 tỷ đồng dưới dạng tái cấp vốn qua các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ nhà ở. Trong chương trình tín dụng này sẽ dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công  năng sang nhà ở xã hội. Còn lại 70% gói tín dụng dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Mức lãi suất theo gói tín dụng này được áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm. Vào tháng 12 định kỳ hàng năm, NHNN sẽ xác định mức lãi suất vay cho các năm tiếp theo bằng khoảng 50% mức lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không quá 6%/năm. NHNN cũng quy định vốn tối thiểu để tham gia vào các dự án và phương án vay của các khách hàng.

Đối với khách hàng vay để mua, thuê mức vốn tối thiểu là 20% dự án và phương án vay; đối với doanh nghiệp là 30% tổng mức đầu tư của dự án vay. Thời gian triển khai thực hiện gói hỗ trợ tín dụng bắt đầu từ ngày 1-6-2013. Đây là lần đầu tiên ngành Ngân hàng đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp, không quá 6%/năm, thời hạn cho vay tối thiểu là 10 năm đối với khách hàng mua, thuê nhà ở và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp.

Chung cư Mỹ Lợi, dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh, đang trong quá trình chuyển đổi chủ đầu tư.
Chung cư Mỹ Lợi, dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh, đang trong quá trình chuyển đổi chủ đầu tư.

Về điều kiện và thủ tục vay vốn theo gói tín dụng này, bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, ngoài các điều kiện và thủ tục vay vốn theo quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và các quy định tại Thông tư 07 của Bộ Xây dựng, khách hàng phải đáp ứng thêm các điều kiện và thủ tục như sau:

Đối với khách hàng là cá nhân vay để mua, thuê nhà ở xã hội, thuê mua nhà ở thương mại phải có hợp đồng mua, thuê với chủ đầu tư và có mục đích vay vốn cùng với đề nghị vay vốn có cam kết của khách hàng, các thành viên trong gia đình về việc chưa được vay vốn tại các ngân hàng để mua, thuê nhà theo quy định; đồng thời có đủ vốn tối thiểu là 20% tham gia vào phương án vay.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp, là chủ đầu tư dự án phải đảm bảo các điều kiện và thủ tục là phải có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 7-1-2013 để thực hiện các dự án xây dựng dựng nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, phải có đủ vốn tối thiểu là 30% tham gia vào dự án, phương án vay vốn và có cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để thực hiện các dự án.

Bàn về gói tín dụng này, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, đây là chủ trương nhằm hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp mua, bán nhà ở xã hội có thu nhập thấp. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã triển khai thực hiện trong toàn hệ thống các chi nhánh. Riêng Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang cũng đã triển khai xuống tất cả các đơn vị trực thuộc cấp huyện, thị. Theo chủ trương chung của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam sẽ dành 3% trên tổng dư nợ của năm trước để cho vay theo chương trình này.

Tuy nhiên từ phương án đến khả năng giải ngân nguồn vốn này, theo ông Trần Trọng Hùng cũng đáng lo ngại. Theo chủ trương, có 2 đối tượng được vay theo gói tín dụng lãi suất thấp là người mua nhà và doanh nghiệp đầu tư dự án. Sau khi có thông tin, nhiều người cũng đã liên hệ với ngân hàng để tìm hiểu về gói tín dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có dự án nhà ở có thu nhập thấp hay nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở có thu nhập thấp. Nghĩa là không có nguồn cung cho người mua nhà.

“Đúng ra trên địa bàn tỉnh có 1 dự án nhà ở có thu nhập thấp (Chung cư Mỹ Lợi) nhưng đang trong quá trình chuyển đổi chủ đầu tư và một dự án mới được đề nghị của một công ty xây dựng. Tuy nhiên, quá trình hoàn thành các thủ tục để được hưởng ưu đãi lãi suất là tương đối dài, trong khi gói tín dụng này chỉ giải ngân trong vòng 3 năm, từ năm 2013 - 2016”- ông Trần Trọng Hùng cho biết.

Giám đốc một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh lại có một số nhìn nhận khác có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện gói tín dụng này. Chẳng hạn, hiện nay chưa có quy định thống nhất mức thu nhập thấp dành cho các đối tượng được mua nhà. Hay quy định cá nhân mua nhà phải có hợp đồng với chủ đầu tư nhưng khi có hợp đồng rồi ngân hàng không cho vay thì giải quyết thế nào vì hợp đồng cũng chỉ là một trong những điều kiện mà ngân hàng xem xét cho vay vốn…

Theo bà Nguyễn Thị Đậm, để gói tín dụng này sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, cần thực hiện tốt các công việc như: Tổ chức quán triệt cơ chế chính sách này đến người dân, đảm bảo công khai, minh bạch, nhất là minh bạch đối tượng được vay vốn hỗ trợ; các ngành cần thực hiện nghiêm các quy định cho vay về nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên và định kỳ trong quá trình cho vay cũng như việc thu hồi vốn.

Theo tính toán gần đây, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang sẵn sàng nguồn vốn cho vay. Hiện tại huy động vốn trên địa bàn tỉnh đang dư thừa, với hơn 23.000 tỷ đồng nhưng dư nợ cho vay chỉ khoảng 17.000 tỷ đồng. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào nguồn cung, tức là các dự án nhà ở xã hội.

THẾ ANH

.
.
.