Thứ Năm, 18/07/2013, 10:31 (GMT+7)
.

Nâng cao hiệu quả liên kết để thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL

Ngày 17-7, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị xây dựng quy chế Liên kết vùng ĐBSCL với sự tham dự của các đại diện lãnh đạo bộ, ngành trung ương và 13 tỉnh, thành trong vùng. Hội nghị do Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh chủ trì.

Theo dự thảo Quy chế Liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2020, liên kết vùng được thể hiện với hai hình thức chính là liên kết bắt buộc và liên kết tự nguyện. Liên kết bắt buộc đối với những lĩnh vực, những dự án, đề án có tác động đến lợi ích chung toàn vùng, tiểu vùng hoặc liên tỉnh, như: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển hạ tầng phục vụ chống lũ, thoát lũ, đê bao ngăn mặn, chống thủy triều dâng…, trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; Liên kết phát triển giáo dục - y tế - văn hóa và hạ tầng kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận Hội nghị xây dựng Quy chế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: LÊ TIỆP
Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận Hội nghị xây dựng Quy chế liên kết vùng ĐBSCL. Ảnh: LÊ TIỆP

Liên kết tự nguyện đối với những lĩnh vực, đề án, dự án ít tác động hoặc tác động trong phạm vi một địa phương, một khu vực nhỏ, không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của toàn vùng hoặc tiểu vùng.

Nguyên tắc liên kết dựa trên cơ sở “lấy thế mạnh bù thế yếu” và hướng đến tối đa hóa lợi ích toàn vùng, đồng thời hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng. Đối với những lĩnh vực liên kết bắt buộc nếu có tranh chấp giữa lợi ích toàn vùng với lợi ích của địa phương thì căn cứ theo nguyên tắc lợi ích của từng địa phương phải đặt sau lợi ích toàn vùng. Dự thảo cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Liên kết vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng (kiêm trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) làm Trưởng ban; mỗi địa phương thành lập Tổ liên kết vùng...

Mục tiêu của liên kết vùng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng, tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn cho vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy ưu thế của từng địa phương; đồng thời hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL còn để xây dựng thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, đóng góp ngày một tích cực cho tăng trưởng kinh tế của cả nước...

Đóng góp cho dự thảo, các đại biểu cho rằng liên kết vùng ĐBSCL là một trong những yêu cầu quan trọng, cấp thiết, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc liên kết cần mở rộng thêm các lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội…; cần bổ sung, làm rõ trong quy chế vai trò của liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; Ban Chỉ đạo liên kết vùng có nhiệm vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để khuyến khích liên kết thị trường, tập trung vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của vùng như: lúa gạo, thủy sản, trái cây, liên kết du lịch.

Về bộ máy tổ chức, một số ý kiến cho rằng không cần thiết phải thành lập thêm một bộ máy tổ chức mà cần phát huy và tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong công tác liên kết…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng hoạt động liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các vùng khác trong cả nước đã diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý nên hiệu quả liên kết chưa như mong muốn. Một số lĩnh vực, một số trường hợp còn phát sinh cạnh tranh chưa lành mạnh, làm triệt tiêu lợi thế, tiềm năng của vùng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới và các hoạt động cạnh tranh rất quyết liệt trên các lĩnh vực, việc xây dựng Quy chế liên kết vùng là rất cấp thiết để nâng cao hiệu quả liên kết, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của toàn vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL cũng như từng địa phương trong vùng.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đề nghị cơ quan soạn thảo Quy chế tập hợp, nghiên cứu các ý kiến và sớm bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện Quy chế để trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành trong tháng 8-2013.

(Theo baocantho.com.vn)

.
.
.