Thứ Tư, 10/07/2013, 10:26 (GMT+7)
.

Nhà máy chế biến thủy sản giảm công suất vì đầu ra gặp khó

Khó khăn trong đầu ra, hàng tồn kho nhiều và một số khó khăn nội tại trong nước đã làm cho một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giảm công suất hoạt động, chủ yếu để nuôi lực lượng lao động.

Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (Song Thuận, Châu Thành) cho rằng, trước thực tế khó khăn hiện nay công ty chủ động giảm công suất hoạt động xuống còn 60%, giảm số lượng ngày chạy máy chỉ còn 22-23 ngày/tháng, nhưng lượng hàng bán ra cũng chỉ được 60% lượng hàng mà nhà máy sản xuất.

Chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hà Văn Tính phân tích, đầu ra khó khăn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, thị trường châu Âu, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của thủy sản Việt Nam, đã giảm 25%.

Từ thực tế này, mặc dù 6 tháng đầu năm 2013 doanh số tiêu thụ của công ty đã tăng 20%, một phần nhờ vào việc mở rộng tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, nhưng lợi nhuận của công ty lại giảm 30%, phần lớn là do giá bán giảm 20%. “Công ty hiện nay làm cầm chừng nhằm giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, công ty tăng cường tiết giảm các loại chi phí nhằm giảm giá thành sản xuất” - ông Hà Văn Tính cho biết.

Nhìn ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần dẫn đến tình hình “bi đát” hiện nay của ngành chế biến xuất khẩu thủy sản chính là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước. Chính những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chụp giựt”, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, lại đua nhau hạ giá bán để lôi kéo khách hàng tiêu thụ đã làm cho ngành hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị mất giá. Bằng chứng rõ ràng nhất là cá tra xuất khẩu đã liên tục bị giảm giá bán trong thời gian ngắn làm rối thêm tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp cùng ngành trong nước.

Phân tích về thực trạng hiện nay, bà Nguyễn Thị Ánh cho rằng, nếu như hàng năm vào thời gian này hợp đồng xuất khẩu được ký cấp tập để chuẩn bị cho đợt giao hàng mùa Noel hay Tết Dương lịch thì năm nay số lượng hợp đồng được ký giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, rất nhiều chi phí sản xuất đầu vào đang tăng khá cao, càng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.

“Hiện tại công ty chủ yếu xuất hàng cho khách hàng truyền thống chứ không có nhiều khách hàng mới do sức mua của thị trường nước ngoài giảm 20%. Tuy nhiên, nhờ chủ động được vùng nuôi và khách hàng truyền thống nên công ty vẫn đảm bảo được 90% công suất nhà máy, với lượng hàng xuất thực tế hàng tháng 900 tấn sản phẩm thủy sản các loại, với kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2 triệu USD/tháng”- bà Nguyễn Thị Ánh cho biết.

Với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, chưa bao giờ xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn như hiện nay. Theo ông Đạo, việc chủ động nguyên liệu ổn định sản xuất và khách hàng là điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Còn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nếu mua cá nguyên liệu từ bên ngoài về chế biến có thể gặp ít khó khăn hơn (do người nuôi cá nguyên liệu đã gánh bớt một phần lỗ) nhưng cũng chỉ đủ trả lương và các chi phí hoạt động của nhà máy chứ rất khó kiếm lời trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thế giới và những động thái từ trong nước đối với ngành hàng cá tra xuất khẩu hiện tại chưa có gì sáng sủa…

THẾ ANH

Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 458,3 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 45,8% kế hoạch năm; chủ yếu nhờ các mặt hàng giày, túi xách, ống đồng tăng khá cao. Riêng hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm. Cụ thể, hàng thủy sản ước thực hiện 63.233 tấn, trị giá 145,2 triệu USD, tăng 2,5% về lượng nhưng giảm 7,8% về trị giá; gạo ước thực hiện 98.000  tấn, trị giá 44,4 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 8,7% về trị giá.

Về thị trường xuất khẩu: EU giảm 10% so cùng kỳ, chiếm 32% (chủ yếu là thủy sản, giày, hàng may mặc); châu Á chiếm 31% (chủ yếu là gạo, thủy sản, giày, hàng may mặc, ống đồng); châu Mỹ tăng 7% so cùng kỳ năm trước, chiếm 32% (gồm ống đồng, túi xách, thủy sản, hàng may mặc), còn lại là các thị trường châu Đại Dương và châu Phi (chủ yếu là thủy sản, ống đồng và hàng may mặc).

 

.
.
.