Nhà vườn lo lắng vì sâu, bệnh “lạ” gây hại cây trái
Sâu, bệnh “lạ” tấn công vườn cây có múi và thanh long hiện đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh. Nhiều diện tích bị thiệt hại nặng, gây thất thu hàng tỷ đồng cho nhà vườn. Ngành chức năng đang cố gắng tìm ra giải pháp để ngăn chặn các loại sâu, bệnh trên. Nhưng trước mắt, hiệu quả vẫn còn là dấu chấm hỏi.
Bưởi, thanh long có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nhưng đang bị sâu bệnh “lạ” gây hại làm cho nhà vườn lo lắng. |
Người trồng cây có múi “khổ sở”
Nhiều tháng nay, nông dân trồng các loại cây có múi như: Bưởi, cam đều “than vắn thở dài” vì một loại sâu “lạ” tấn công, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn, nhất là các vườn bưởi da xanh và bưởi lông Cổ Cò.
Anh Nguyễn Văn Tám (Đông Thạnh, An Thái Đông, Cái Bè) trồng 0,4 ha bưởi lông Cổ Cò hơn 7 năm. Trước kia, gia đình anh thu hoạch được 2 tấn bưởi/năm. Nhưng gần đây, vườn bưởi của anh lại xuất hiện một loại sâu đục trái, làm năng suất giảm 1/3, thiệt hại trên 10 triệu đồng/năm. Mặc dù anh tìm nhiều cách để ngăn chặn như: Giảm phân, tăng cường phun thuốc, chú ý đến hệ thống thoát nước và bao trái từ khi thụ phấn 15 ngày nhưng vẫn không hết.
Tương tự, vườn bưởi da xanh 0,35ha của ông Nguyễn Minh Tấn (ấp 5, Long Trung, Cai Lậy) cũng bị loài sâu “lạ” tấn công, gây thiệt hại 20%. Ông Tấn cho biết: “Ở vùng này, người ta trồng sầu riêng rất nhiều nên tôi chuyển sang trồng bưởi da xanh để có lợi nhuận cao hơn vì ít có người trồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sâu “lạ” lại đục trái liên tục, giảm năng suất rất nhiều và bán cũng không bằng giá như những năm trước. Mặc dù gia đình thấy trái nào bị đục là cắt bỏ và thường xuyên phun thuốc, bao trái nhưng đến khi hái bán vẫn còn”.
Trước tình trạng trên, nhà vườn đang mong chờ ngành chức năng có phương pháp “chữa trị” hữu hiệu.
Hố chứa bưởi bị sâu đục trái tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè (ảnh phải). |
Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam thì sâu “lạ” này có tên là nấm hồng (còn gọi là ngài Citrispestis). Loại sâu gọi là con ngài này xuất hiện từ năm 2011 cho đến nay trong những vườn cây có múi như: Bưởi, cam sành, quýt hồng ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp… Chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm và những nơi tối, đẻ trứng trên vỏ trái có múi (bưởi, cam) sau khi đậu trái 15 ngày. Giai đoạn trứng phát triển từ 5-6 ngày thì chuyển thành ấu trùng và thời gian phát triển từ 18-20 ngày.
Trong giai đoạn ấu trùng, con ngài chia thành 3 giai đoạn phát triển thành 3 màu sắc khác nhau, lúc còn ấu trùng non sâu có màu trắng vàng; giai đoạn ấu trùng giữa, cũng là giai đoạn phá hoại mạnh nhất, sâu có màu hồng; đến giai đoạn nhộng, chỉ còn một nốt đỏ ngay cổ nhộng. Sau khi hóa nhộng, nhộng sống từ 6-10 ngày sẽ chuyển thành ngài và bay ra. Những lỗ đục này cũng tạo điều kiện cho ruồi đục trái, các loại nấm bệnh xâm nhập vào trái, gây hư hại lớn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, sâu đục trái trên cây có múi hiện đang là đối tượng dịch hại quan trọng và diễn biến phức tạp. Diện tích cây có múi của tỉnh Tiền Giang là 10.721ha thì có khoảng 405ha bị sâu đục trái, với tỷ lệ nhiễm từ 10-20%. Thời gian qua, ngành cũng đã triển khai 3 mô hình “Quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi” tại huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và TP. Mỹ Tho. Các hộ tham gia đều cắt tỉa cành và vệ sinh vườn.
Ngành cũng đang hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình phòng trừ tạm thời của Cục Bảo vệ thực vật. Trước sự phát triển của loài sâu đục trái, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam Nguyễn Minh Châu cho biết, hiện nay sâu đục trái đang tấn công mạnh vào các vườn cây có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là các vườn bưởi. Những vườn chăm sóc tốt thì thiệt hại từ 10-30%, còn những vườn thiếu kỹ thuật chăm sóc có thể thiệt hại cao hơn.
Người trồng thanh long lo lắng
Gần đây, lại một loại bệnh “lạ” xuất hiện và gây hại trên thanh long của tỉnh ta nói riêng và thanh long của cả nước nói chung.
Gia đình ông Lê Văn Minh (Hưng Ngãi, Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo) trồng 0,2ha thanh long hơn 3 năm nay. Tiếp xúc với chúng tôi, ông vạch từng bụi thanh long và chỉ từng nhánh thanh long bị bệnh. Ông Minh cho biết, bệnh “lạ” này ban đầu là những đốm màu trắng, kích thước nhỏ, tròn, lõm. Về sau, bệnh phát triển có màu vàng cam và khi bệnh phát triển thành vết loét có màu nâu, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Điều đặc biệt, bệnh chỉ tấn công và gây hại chủ yếu trên cành non và trái sắp thu hoạch. “Những vườn bón phân gà tươi và bón phân có hàm lượng đạm cao để thúc cành thì bệnh phát sinh gây hại nặng hơn” - ông Minh nói.
Vườn thanh long của một nông dân bị nhiễm bệnh đốm trắng. |
Trong đợt thu hoạch vừa qua, thanh long của gia đình ông Minh có đến 80% trái đều bị sần sùi, thanh long bị dạt giá chỉ có 500 đồng/kg, trong khi trái đẹp bán tới 10.000 đồng/kg nên thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thời gian qua, trên cây thanh long đã xuất hiện bệnh “lạ” tấn công. Ngành chức năng cũng đã tìm ra đó là bệnh đốm trắng hơn 50 ha, tỷ lệ bệnh 5-10%. Bệnh này được xác định là do nấm Scytalidium dimidiatum gây ra, tốc độ của bệnh lây lan khá nhanh, nhất là trong mùa mưa, ẩm độ cao, ở những vườn không thông thoáng, kém vệ sinh, đặc biệt là vườn bón nhiều phân đạm và sử dụng nhiều chất kích thích sinh trưởng; quy trình phòng trị hiện đang còn trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.
Hiện ngành đang tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác như: Khuyến cáo nông dân thoát nước tốt cho vườn thanh long; gom các cành, trái bị nhiễm bệnh tiêu hủy; sử dụng phân chuồng hoai và nấm đối kháng Trichoderma; bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Không bón thừa phân đạm. Thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ giúp nhà vườn hạn chế tối đa tác hại và sự lây lan.
Theo ngành chức năng, bệnh đốm trắng được ghi nhận năm 2009 tại tỉnh Bình Thuận với tỷ lệ thấp. Đến đầu mùa mưa năm 2012, đã có 827/19.000ha thanh long ở Bình Thuận bị nhiễm bệnh đốm trắng, với tỷ lệ từ 10% trở lên. Còn tại tỉnh Long An, cũng đã có 860/2.200ha thanh long bị bệnh trên thân với tỷ lệ bệnh từ 5-10%, trên trái có 107 ha bị bệnh với tỷ lệ bệnh từ 1-5%.
Trong những năm qua, nhiều đối tượng dịch hại đã có xu hướng phát triển và gây hại ngày càng nặng hơn trên cây thanh long như: Bệnh thán thư, đốm đồng tiền, thối trái… Đặc biệt là bệnh đốm trắng trên cành và trái đã làm thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như chất lượng trái thanh long. Do mới xuất hiện nên hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân lây lan cũng như loại thuốc đặc trị bệnh. Nhà vườn trồng thanh long đang rất lo lắng trước đối tượng gây hại mới này.
Tuy mức độ gây hại khác nhau trên vườn cây ăn trái, nhưng đều là những đối tượng dịch hại mới nên các công trình nghiên cứu khoa học về các giải pháp quản lý, phòng trị chúng còn rất hạn chế. Do đó, công tác trọng tâm hiện nay là ngành Bảo vệ thực vật nhanh chóng tổng hợp các kết quả nghiên cứu để đưa ra quy trình quản lý tạm thời, giúp bà con nông dân giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
SĨ NGUYÊN