Nuôi trồng thủy sản ĐBSCL: Kẻ lấp, người đào
Trong khi nông dân ương cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quyết định lấp ao do giá cá rớt mạnh, không còn vốn duy trì sản xuất, thì phong trào đào ao từ đất ruộng để nuôi cá lóc lại phát triển rầm rộ, dù đầu ra sản phẩm vẫn còn là câu hỏi lớn.
Sản xuất theo phong trào, thấy vài người làm ăn hiệu quả từ một đối tượng cây, con nào đó, những người bên cạnh cũng đổ xô làm theo với mong muốn đổi đời đã trở thành căn bệnh khó trị vốn tồn tại phổ biến ở ĐBSCL.
Nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của vùng ĐBSCL, tuy nhiên người nuôi luôn đứng trước những khó khăn. Ảnh: Vân Anh |
Điển hình của cách làm ăn như trên phải kể đến là nông dân ở Tiền Giang, chỉ 1 - 2 ha diện tích ao ương cá tra giống của nông dân huyện Cai Lậy vào năm 2011, thì đến giữa năm 2012 đã tăng đến 117 ha. Tuy nhiên, thời dễ nuôi, dễ bán lại có lợi nhuận cao từ ương cá tra giống đã qua, không ít hộ nông dân dẫn phải trắng tay, thậm chí mang nợ… lại trở thành câu chuyện bàn tán của người dân nơi đây.
Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho biết diện tích ao ương cá tra giống còn nuôi của huyện Cai Lậy hiện chỉ còn 50%; phần còn lại, có 20 ha đã được san phẳng để trồng lúa và một số đã ngưng nuôi nhưng không có vốn để san phẳng trở lại.
Theo ông Minh, giá cá giống xuống quá thấp, dưới giá thành sản xuất, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên nông dân lỗ, không thể sản xuất tiếp.
Trái ngược tình hình trên, nông dân nuôi cá lóc giống tại An Giang, Trà Vinh đang tranh thủ mở rộng diện tích nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại An Giang, thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ đầu năm đến nay, diện tích ao ương cá lóc giống đã tăng vượt 300 ha.
Tại huyện Trà Cú, Trà Vinh - địa phương dẫn đầu phong trào ương nuôi cá lóc của tỉnh - diện tích ao nuôi được đào mới từ đất ruộng trong nửa đầu năm 2013 tăng gấp 3 lần so với con số của năm 2012, đạt trên 300 ha.
Điều đáng nói ở đây, phong trào mở rộng diện tích ở những địa phương trên chủ yếu do nông dân tự phát nuôi, họ chỉ biết hiện tại nhu cầu thị trường đang có, chứ hoàn toàn không biết diễn biến sắp tới sẽ như thế nào?
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các mặt hàng thủy sản (cả thủy sản nuôi lẫn đánh bắt) xuất khẩu của Việt Nam, hoàn toàn không có đối tượng cá lóc. Hiện tại, cá lóc thương phẩm sản xuất ra chủ yếu được tiêu thụ nội địa thông qua các chợ truyền thống của Việt Nam.
Như vậy, điều gì sẽ đến với người nông dân khi sản lượng cá lóc nuôi tiếp tục tăng nhanh thời gian tới, trong khi thị trường tiêu thụ lại có hạn?
(Theo thesaigontimes.vn)