Thứ Hai, 29/07/2013, 10:40 (GMT+7)
.

Ông Đặng Kiêm Hằng: Người đam mê sáng tạo

Trong suốt 38 năm làm việc, ông Đặng Kiêm Hằng là “cha đẻ” của hơn 10 sáng kiến, đề tài nghiên cứu có giá trị làm lợi cao. Tận tâm trong công việc, ông được lãnh đạo Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco tin tưởng giao nhiệm vụ là Phó quản đốc Nhà máy sản xuất, phụ trách xưởng NonBetalactam từ nhiều năm nay.

Ông Đặng Kiêm Hằng, bên sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất.
Ông Đặng Kiêm Hằng, bên sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất.

Với cương vị là người quản lý, trực tiếp điều hành sản xuất, ông Đặng Kiêm Hằng luôn trăn trở làm cách nào để sản phẩm làm ra tốt hơn, giá thành hạ và khẳng định được tên tuổi của công ty trên thị trường. Hướng tới mục tiêu, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài cải tiến trong sản xuất có giá trị, được ban giám đốc công ty và đồng nghiệp đánh giá cao.

Ông Hằng cho biết, trong suốt thời gian công tác tại công ty, ông có hơn 10 sáng kiến, đề tài nghiên cứu được ứng dụng. Riêng từ năm 2006 - 2012, ông có 4 đề tài sáng kiến, cải tiến được áp dụng trong sản xuất, đã làm lợi công lao động và giúp công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

“Năm 2006, cơ chế thị trường tạo ra sự cạnh tranh về giá rất phức tạp, trong đó có ngành dược. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nói chung và ngành dược phẩm nói riêng muốn tồn tại phải tìm cách nâng cao chất lượng, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Vào thời điềm này, công ty có sản phẩm Tipharcold (dạng hạt cải chứa trong viên nang số 0) được sản xuất tại dây chuyền NonBetalactam.

Để tạo ra sản phẩm này phải qua nhiều công đoạn sản xuất, trong khi nhu cầu thị trường lại tăng đột biến, với phương pháp sản xuất cũ không thể đáp ứng được. Từ thực tế này, tôi đã cùng nhóm pha chế xưởng NonBetalactam đã nghiên cứu cải tiến phương pháp sản xuất viên hạt cải” - ông Hằng nhớ lại khi nghiên cứu thực hiện đề tài “Cải tiến phương pháp sản phẩm các mặt hàng viên hạt cải” vào năm 2006.

Qua áp dụng đề tài, ông Hằng đã so sánh định mức và quy trình pha chế, kết quả của sáng kiến cải tiến mang lại như sau: Rút ngắn 1 giai đoạn lăn hạt và sấy bằng tủ sấy tĩnh trong quy trình pha chế; nguyên vật liệu không thay đổi; năng suất tăng gấp 4 lần; giá trị làm lợi trên 30 ngàn viên; tổng giá trị làm lợi từ công lao động và điện năng tiêu thụ gần 90 triệu đồng.

Việc ứng dụng đề tài này của ông không chỉ mang lại giá trị làm lợi cho công ty gần 90 triệu đồng/năm mà còn giúp công ty mở rộng ứng dụng quy trình cho việc pha chế các mặt hàng viên cải khác như Tiphatob, Neo-coterpin và Pluriamin F, làm giảm giá thành 3 mặt hàng này, tăng sức cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty. 

Liên tiếp những năm sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời nhiều đề tài như: Cải tiến phương pháp sản xuất giai đoạn áo hạt viên nang Tiphasidol; cải tiến phương pháp sản xuất viên hạt cải Tiphacold giai đoạn áo hạt; cải tiến phương pháp sản xuất viên bao đường lớp mỏng sản phẩm Sedafed…

Tất cả các đề tài nghiên cứu của ông đều được công ty ứng dụng trong quá trình sản xuất, với tổng giá trị làm lợi và tiết kiệm hàng năm gần cả trăm triệu đồng. Công lao sáng tạo của ông cũng đã được công ty ghi nhận với những phần thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, đối với ông niềm vinh dự hơn cả vẫn là Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh mà ông vừa được Tổng Liên đoàn Lao động trao tặng vào tháng 5-2013 tại Hà Nội.

Với niềm say mê sáng tạo, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ông Đặng Kiêm Hằng đã góp phần hiện đại hoá các công đoạn sản xuất của Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco, nâng cao năng suất lao động. Sau 38 năm công tác tại công ty, ông đã được đề bạt làm Phó Quản đốc nhà máy sản xuất và được bầu làm Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi bộ khối sản xuất. Dù ở vị trí công tác nào, ông Đặng Kiêm Hằng cũng luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, người cán bộ công đoàn.

HỮU NGHỊ

.
.
.