Tái cấu trúc ngành Thủy sản: Thay đổi từ gốc
Phải khẳng định rằng Thủy sản là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành Thủy sản gặp khó không chỉ ở yếu tố thị trường tiêu thụ bên ngoài mà còn chính ở những yếu tố nội tại trong nước. Vì vậy, việc tái cấu trúc quy trình sản xuất, xuất khẩu đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Tái cấu trúc quy trình sản xuất - từ góc nhìn con cá tra theo chuỗi chăn nuôi đến chế biến xuất khẩu. Ảnh: N.Sự - N.Thưởng |
1. Từ khi nghề nuôi cá tra công nghiệp được nhen nhóm trên địa bàn tỉnh, chủ trương thành lập hợp tác xã (HTX) chuyên về lĩnh vực này cũng manh nha được hình thành. Đó là một chủ trương đúng nhằm tập hợp nguồn lực, tạo ra sản lượng lớn, áp dụng được các quy trình sản xuất tiên tiến nhất. HTX Thủy sản Hòa Hưng (Cái Bè) ra đời cũng dựa trên tinh thần đó.
Sau khi ra đời, HTX đã được nhiều sở, ngành quan tâm, đặc biệt là Sở NN&PTNT, vì đây là một trong những HTX hoạt động trong lĩnh vực đang có nhiều cơ hội phát triển. Nhiều mô hình nuôi hiện đại cũng được áp dụng tại vùng nuôi của HTX, chẳng hạn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn SQF 1.000, hướng đến tiêu chuẩn GlobalGAP…
Thế nhưng, chỉ sau một vài năm, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hòa Hưng tâm tư rằng, diện tích nuôi cá của HTX từ 20 ha năm 2008-2009, đến năm 2012 con số này giảm xuống còn 13 ha và hiện diện tích thả nuôi của xã viên đã giảm 50% so với năm 2012. Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do nhiều yếu tố tác động mà HTX cũng như xã viên không thể chịu đựng được.
Thực tế là trong thời gian gần đây chuyện thương lái, doanh nghiệp không mua cá, giá cá sụt giảm thê thảm, người nuôi cá tra, cá basa bị lỗ nặng đang là vấn đề thời sự nóng bỏng được dư luận quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Bé Tư, ở Cồn Tròn (Phú Phong, Châu Thành), có thâm niên nuôi cá hơn 10 năm cho biết, chưa năm nào bà nuôi cá lại khó khăn như năm nay. Để hạn chế tình trạng lỗ, chờ giá cá nhích lên, hiện bà đã phải áp dụng nhiều cách làm để tiết giảm chi phí nuôi. Bà Tư khẳng định: Năm nay giá cá liên tiếp giảm, còn giá thức ăn thì liên tiếp tăng. Trong khi đó, nhiều ao cá của bà con đã đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được. Chính vì vậy, nguy cơ cá bệnh càng cao, bởi phần vì quá lứa kháng thể cá kém, phần do môi trường nước bắt đầu thay đổi trong tiết giao mùa.
“Hiện nay phải cho ăn cầm chừng, có thể 2 ngày cho ăn lại nghỉ 1 ngày để giảm bớt lượng vốn bỏ ra, vì chi phí đầu tư thức ăn chiếm 70% trong cơ cấu giá thành mỗi kg cá thương phẩm. Cách đây 2 năm giá thức ăn bình quân 9.000 đồng/kg, hiện nay là 11.000 đồng, trong khi giá cá trước đây khoảng 24.000 - 26.000 đồng/kg nhưng nay chỉ khoảng 21.500 - 22.000 đồng/kg, chưa kể các yếu tố khác như thuốc, giá nhân công cũng đều tăng”- bà Nguyễn Thị Tư tâm tư.
Nằm trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích nuôi cá công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều so với cách đây vài năm. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 139 ha mặt nước thả nuôi cá tra, với tổng sản lượng thu hoạch 40.000 tấn. Do giá cá liên tục giảm, làm người nuôi lỗ nặng nên diện tích thả nuôi cá tra hiện cũng bắt đầu giảm. Hiện diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh chỉ còn 120 ha, tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo. Con giống, chi phí, nhân công, điện, xăng dầu, lãi suất ngân hàng cao chính là nguyên nhân làm người nuôi dè đặt.
2. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm thế nào để duy trì ngành nuôi thủy sản, tạo việc làm cho người dân. Khi bàn đến vấn đề này, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận thực tế rằng, sự khó khăn của ngành Thủy sản nói chung và của cá tra nói riêng hiện nay là do chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả thị trường tiêu thụ và những yếu tố nội tại.
Theo nhận định chung, chất lượng con giống sẽ là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến chất lượng sản phẩm nuôi. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra là chất lượng con giống đang có xu hướng giảm dần, biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương nuôi có xu hướng tăng lên.
Điều này có nhiều nguyên nhân, có thể là do môi trường nuôi, chất lượng con giống, chất lượng cá bố mẹ, quy trình sản xuất. Do vậy, tới đây việc liên kết giữa người làm con giống với doanh nghiệp để người làm giống bài bản hơn, với giá bán phù hợp hơn là một trong những vấn đề cần bàn tới; đồng thời các ngành chức năng cũng dần siết chặt việc quản lý chất lượng con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Siết chặt chất lượng con giống là một trong những yếu tố giảm giá thành sản xuất. (Ảnh sản xuất và kiểm tra chất lượng con giống cá tra nhân tạo). |
Theo ông Trịnh Công Minh, Tiền Giang là một trong những địa phương có truyền thống về ương nuôi cá giống. Những năm gần đây, do nghề nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL có bước phát triển nhanh nên nhu cầu về sản xuất và ương nuôi cá tra giống cũng phát triển một cách nhanh chóng.
Vào cao điểm của năm 2012, toàn tỉnh có đến 200 ha ương nuôi cá tra giống. Khi con cá tra gặp khó khăn, diện tích ao ương nuôi cũng còn dao động khoảng 100 ha. Chưa kể, Tiền Giang có 2 trung tâm sản xuất cá tra giống lớn là Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh (Cổ Lịch, Cái Bè) và Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè). Riêng trại sản xuất giống cá tra ở Cổ Lịch, mỗi năm có thể sản xuất từ 600-700 triệu con cá bột tùy theo nhu cầu đặt hàng của khách hàng.
3. Năm 2012 xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 450 triệu USD, chiếm xấp xỉ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; trong đó nhóm hàng cá tra xuất khẩu chiếm khoảng 85%. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra là các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho tương đối lớn. Theo ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương, 6 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng sản xuất khoảng 90.000 tấn, sản lượng xuất khẩu khoảng 60.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu 140 triệu USD, xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2012 nhưng giá trị giảm 20% so với cùng kỳ.
Hiện tại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ ngày càng giảm. Hơn nữa giá bán bị cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau dẫn đến việc xuất khẩu gặp khó khăn nên lượng hàng tồn kho so với sản xuất còn cao. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp phải tái cấu trúc, nhất là tái cấu trúc về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, cấu trúc lại thị trường để đảm bảo nguồn tiêu thụ.
Về phía các cơ quan Nhà nước phải tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh là hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết và chọn lựa; tiếp tục tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp, những khó khăn hiện nay của ngành Thủy sản chỉ mang tính thời điểm. Bởi hiện nay cá tra, là loại thực phẩm có chất lượng ngon, giá thành phù hợp, thị trường tiêu thụ rộng, với hơn 100 quốc gia, hàng năm thu về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời tạo việc làm cho rất nhiều lao động làm công nhân ở nhà máy, người nuôi cá... Nhìn chung, những doanh nghiệp lớn của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có công nghệ tương đối hiện đại, đạt trình độ công nghệ cũng như chất lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, những cố gắng của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu thụ những tháng cuối năm, hy vọng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ tăng hơn những tháng đầu năm. Chính vì vậy, về lâu dài để ngành chế biến xuất khẩu cá tra phát triển ổn định và bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp phải chung tay đoàn kết đưa ra một giá thành nhất định, cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, từ việc sản xuất con giống, qui hoạch vùng nuôi, cấu trúc lại ngành chế biến thủy sản, mạnh dạn loại bỏ doanh nghiệp yếu kém… Có vậy, giá trị con cá tra mới được trả về đúng vị trí trên thương trường quốc tế.
THẾ ANH