Thứ Tư, 24/07/2013, 14:59 (GMT+7)
.

Tiêu thụ gạo vẫn còn khó khăn

Đó là nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khi được đề cập đến vấn đề tiêu thụ gạo trong thời gian tới và những diễn biến của thị trường lúa gạo.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, sau khi thực hiện chủ trương tạm trữ lúa gạo vụ hè thu của Chính phủ, giá lúa gạo đã tăng lên khá cao. Cụ thể giá lúa đã tăng thêm khoảng 600 đồng/kg, gạo cũng tăng thêm khoảng 800 đồng/kg.

Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ lúa gạo đã bắt đầu khởi sắc hơn. Sở dĩ giá lúa gạo tăng gần đây một phần là do chủ trương tạm trữ đã kích thích giao dịch trong nước, mặt khác là do các doanh nghiệp tập trung mua vào để kịp giao hàng theo những hợp đồng đã ký trước đây.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lúa gạo tới đây vẫn chưa có nhiều điểm sáng. Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, hiện nay giao dịch lúa gạo thế giới chưa có những hợp đồng với giá tốt.

Chuyển gạo xuống tàu xuất kh
Chuyển gạo xuống tàu xuất khẩu.

Những hợp đồng mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký trước đây, đối với gạo 5% tấm chỉ dao động từ 365-370 USD/tấn, trong khi giá thành sản phẩm gạo đã leo lên mức 390 USD/tấn, dẫn đến tình trạng lỗ vốn đối với những hợp đồng cũ. Trong khi đó, mức giá mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo chào hiện nay khoảng 390 USD/tấn đều không được khách hàng quan tâm lắm.

Điều này xuất phát từ bức tranh chung của giao dịch thị trường lúa gạo hiện nay. Nhu cầu tiêu dùng của thế giới không cao trong khi tồn kho ở các nước với số lượng tương đối lớn. Đặc biệt là Thái Lan lại đang có chủ trương xả hàng, với giá thấp.

Cụ thể là Thái Lan vừa bán lô hàng 30.000 tấn gạo cho Irắc với giá 430 USD/tấn, do vậy gạo của Việt Nam cũng không thể cao hơn mức giá này. Chủ trương của Thái Lan là sẽ xả hàng khoảng 1 triệu tấn gạo/tháng, nên cũng rất khó kỳ vọng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ ở mức cao.

Ở một khía cạnh khác là giao dịch gạo của Việt Nam hiện nay thiếu những hợp đồng tập trung để dẫn dắt thị trường. Những năm trước đây, Philippine, Indonesia đều mua của Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm. Đây là những hợp đồng xuất khẩu lớn có thể dẫn dắt giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Indonesia chưa mua hạt gạo nào của Việt Nam, trong khi Philippine chỉ mới mua hơn 187.000 tấn. Thị trường lúa gạo của Việt Nam năm nay chỉ trông cậy phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Ở thị trường này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá gạo tăng cao thì thị trường này sẽ giảm ngay số lượng mua vào.

Những động thái gần đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhất là tăng giá sàn gạo xuất khẩu, làm cho mọi người liên tưởng đến những điểm sáng của thị trường tiêu thụ lúa gạo. Căn cứ vào thị trường giá gạo thế giới và giá gạo trong nước, VFA đã công bố tăng giá xuất khẩu tối thiểu cho gạo 25% tấm lên 375 USD/tấn. Mức giá này tăng khoảng 3% so với 365 USD/tấn đã ấn định trong tháng 6-2013.

Giá xuất khẩu của các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định, VFA đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm mức giá công bố này. Những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, rẻ nhất thế giới trong năm nay do nhu cầu thấp và nguồn cung cấp cao (355 USD/tấn đối với gạo 25% tấm).

Trước diễn biến này, theo lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, động thái của VFA trong việc tăng giá sàn xuất khẩu nhằm làm cơ sở về giá để đàm phán với các đối tác tiêu thụ lúa gạo lớn của Việt Nam và nhằm phù hợp với mặt bằng giá nguyên liệu trong nước.

Nếu không đưa ra mức giá sàn xuất khẩu mới dễ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ lỗ vốn do giá nguyên liệu trong nước từ tháng 5 đến nay bao giờ cũng cao hơn giá xuất khẩu, chứ thực tế thì thị trường tiêu thụ lúa gạo chưa có nhiều điểm sáng.

PHƯƠNG ANH

.
.
.