5 năm triển khai chính sách “tam nông”: Thành quả và giải pháp tiếp theo
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “tam nông”) là một chủ trương, chính sách đúng đắn, sát thực tiễn, giải quyết những bức xúc của nông dân, đem lại những lợi ích thiết thực nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được người dân quan tâm, kỳ vọng.
Qua 5 năm triển khai, Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tạo bước đột phá cơ bản trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho nông dân.
Những kết quả đạt được
Về sản xuất, 5 năm qua tỉnh đã thực hiện quy hoạch thông qua 4 chương trình phát triển gồm: Lúa gạo, vườn, chăn nuôi và thủy sản. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình phát triển khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn ổn định theo hướng thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ngày càng nâng cao tỷ suất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cánh đồng lúa ở xã nông thôn mới Tân Hội Đông - huyện Châu Thành. |
Lĩnh vực công nghiệp nông thôn tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu, chủ yếu từ tiểu, thủ công nghiệp ở các làng nghề, giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Sự phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, tiểu, thủ công nghiệp đã kéo theo sự hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh làm cho nông nghiệp chuyển dịch sang trồng cây công nghiệp sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Về tín dụng, từ khi Nghị quyết 26/NQ-TW được ban hành đã tạo ra bước đột phá mới cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nguồn tín dụng được khơi thông, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện có 17/23 ngân hàng tham gia cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp.
Khoa học và công nghệ đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Tiềm năng nông nghiệp được khai thác tốt hơn; việc thâm canh, ứng dụng giống mới trong trồng trọt được đẩy mạnh; chăn nuôi phát triển theo hướng quy mô chăn nuôi gia đình, bước đầu hình thành chăn nuôi trang trại; thủy sản từng bước vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, đáp ứng nhu cầu, được người dân đồng thuận tham gia. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm tập trung lãnh đạo, qua đó diện mạo nông thôn một số nơi có sự khởi sắc.
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách về “tam nông” của tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tuy đạt khá nhưng chưa bền vững; sự chuyển dịch trong nội bộ ngành còn chậm, nhất là giữa trồng trọt và chăn nuôi; khả năng cảnh báo, dự báo giá cả, thị trường, thiên tai, các loại dịch bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi còn hạn chế; chưa tạo được bước đột phá mạnh trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và giống mới.
Hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn dù đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn còn yếu, thiếu đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ và thời gian thi công. Lao động nông nghiệp và khu vực nông thôn thiếu hụt do tập trung vào các khu công nghiệp.
Tuổi bình quân lao động nông nghiệp cao; trình độ sản xuất, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Việc khuyến khích lao động trẻ có trình độ học vấn, chuyên môn ở lại nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tham gia quản lý, điều hành HTX chưa đạt yêu cầu. Trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa và cải thiện điều kiện sống của nông dân.
Mục tiêu của lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2015 Tiền Giang thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra. Cụ thể: Giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm, giá trị tăng thêm bình quân 4,3%/năm. Diện tích gieo trồng lúa 220.000 ha, sản lượng thu hoạch 1,23 triệu tấn; diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt 79.800ha với sản lượng 1,18 triệu tấn. Sản lượng thủy sản đạt 230.000 tấn. Đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ GTVT đạt 85%; đường trục ấp, xóm được cứng hóa đạt chuẩn đạt 45%; đường ngõ, xóm sạch vào mùa mưa đạt 40%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 45%. Có 10 xã đạt 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và 19 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí. |
Các dịch vụ vui chơi, giải trí phát triển chưa mạnh; hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ; hoạt động thương mại, dịch vụ còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán; nhiều sản phẩm chưa vươn rộng ra thị trường.
Việc lập và duyệt quy hoạch các cấp còn chậm trễ; công tác dự báo chưa đầy đủ nên chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát quy hoạch, quản lý đất đai… chưa được tiến hành thường xuyên.
Về tín dụng, tuy dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về vốn của người dân để phục vụ sản xuất.
Nhiệm vụ này trong Nghị quyết 26/NQ-TW khó thực hiện do điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất còn hạn chế nên khó đưa những dịch vụ, tiện ích của ngân hàng đến với người nông dân, nhất là những người dân có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Để Nghị quyết 26/NQ-TW tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội; quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, tổ chức lại sản xuất; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho khoa học và công nghệ, từng bước hình thành thị trường khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống.
DUY SƠN