Cần có chính sách phù hợp để vực dậy sản xuất nông nghiệp ĐBSCL
Nhiều sự kiện do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức vừa qua tại TP. Cần Thơ, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bày tỏ bức xúc trước tình trạng lúa gạo, cá, tôm, heo, gà… liên tục “được mùa, mất giá” hay “mất mùa, mất giá”. Trong khi đó, chi phí đầu vào lại tăng vọt. Nhiều tỉnh, thành cũng kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương phải tìm cách vực dậy nông nghiệp ĐBSCL.
Giá lúa bấp bênh, khiến nông dân ngày thêm khó khăn. |
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: “Nông dân làm nông nghiệp không có lãi bởi bán sản phẩm quá thấp, trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao, đây là điều bất hợp lý. Dân khó khăn, đồng nghĩa với nhiều chỉ tiêu kinh tế khó hoàn thành. Giải quyết việc này cần gấp rút tính toán lại sản xuất một cách hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay”.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất các bộ, ngành Trung ương cần có cuộc khảo sát thực tế để đánh giá đúng việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay ở vùng ĐBSCL, xem lĩnh vực nào hiệu quả, lĩnh vực nào đang gặp khó.
Từ đó chúng ta mới “giải” bài toán cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Ai cũng thấy, với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nông dân có thể chủ động được trong sản xuất nông nghiệp nhưng sản phẩm làm ra tiêu thụ ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu… đang là cái khó.
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành ĐBSCL còn cho rằng: “Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính. Song, nghịch lý hiện nay là càng làm càng lỗ, khiến nông dân mất phương hướng không biết tin ai và không biết làm gì. Bởi trồng lúa, nuôi cá tra, nuôi heo, gà… đều mất giá.
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ông Nguyễn Phong Quang đặt câu hỏi: “Trong điều kiện giá lúa bấp bênh có nên sản xuất 3 vụ/năm hay không? Nếu chỉ làm 2 vụ lúa thì 1 vụ còn lại sẽ chuyển đổi cây gì cho hợp lý, nhằm đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cho nông dân?”.
Bộ Công thương cho biết, đã và đang đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Trong đó, năm 2013 đã phê duyệt 16 đề án xúc tiến ngành hàng nông - thủy sản, với kinh phí Nhà nước hỗ trợ 18,5 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm giữ vững khách hàng cũ và tìm thêm khách hàng mới là rất quan trọng để gia tăng xuất khẩu hàng hóa nông - thủy sản. Khi nào thị trường được khơi thông, đầu ra sản phẩm đảm bảo thì việc định hướng sản xuất nông nghiệp mới được giải quyết thấu đáo. |
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, giải pháp tiêu thụ nông - thủy sản vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa ổn định đời sống người dân là việc rất quan trọng.
Song, không nên nóng vội sẽ dễ dẫn tới sai sót, mà phải bình tĩnh tìm hướng đi thích hợp, bền vững. Trong đó, cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, thế mạnh về nông nghiệp ở ĐBSCL đang bị thách thức nghiêm trọng, bởi cách làm ăn cũ đã lỗi thời. Sản xuất hàng hóa hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết kiểu mới, hiệu quả hơn; mà mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là một minh chứng.
Tuy nhiên, cái khó chưa thể nhân rộng là chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia và chưa có chính sách mới để kích cầu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Nếu giải quyết tốt “cánh đồng mẫu lớn” thì không chỉ giới hạn trong sản xuất lúa mà mô hình này có thể áp dụng cho nhiều cây trồng khác.
Trước những khó khăn của ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, để nông nghiệp phát triển bền vững phải quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời làm tốt các khâu thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cần làm tới nơi tới chốn và làm thường xuyên, nhằm đảm bảo sản xuất gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ…
SĨ NGUYÊN