Thứ Năm, 15/08/2013, 05:57 (GMT+7)
.

Để trái thanh long “sạch” đi vào thị trường thế giới

Thanh long là loại cây ăn trái xuất khẩu có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, việc lai tạo giống, sản xuất, sau thu hoạch… vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với vùng trồng thanh long Chợ Gạo.

Ngoài ra, thanh long Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt từ một số quốc gia trồng được loại giống trên. Dự án hỗ trợ phát triển giống cây ăn trái mới chất lượng cao Việt Nam - New Zealand, trong đó mô hình thí điểm trên cây thanh long huyện Chợ Gạo sẽ giúp hạn chế được những vấn đề trên và đưa trái thanh long “sạch” của Việt Nam vào thị trường thế giới trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Minh Châu giới thiệu giống thanh long ruột tím hồng tại buổi lễ ký kết dự án. Ảnh: N. Lan
TS. Nguyễn Minh Châu giới thiệu giống thanh long ruột tím hồng tại buổi lễ ký kết dự án. Ảnh: N. Lan

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Viện Cây ăn quả miền Nam, phụ trách dự án cho biết, trước mắt dự án sẽ giúp cải thiện và nâng cao năng lực cho Việt Nam trong phát triển sản xuất trái cây an toàn, xử lý sau thu hoạch và thương mại hóa các giống thanh long hiện có. Đồng thời tạo ra các giống thanh long mới chất lượng cao. Giúp cho Việt Nam biết cách bảo vệ bản quyền các giống mới trên toàn cầu. Qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu từ tiền bản quyền thương mại hóa giống mới nhằm duy trì sự phát triển giống mới, bảo vệ và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp trên thế giới.

“Chúng tôi sẽ tập trung lai tạo giống thanh long mới. Mô hình phát triển sản xuất thương mại hóa có kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ nông dân nghèo tham gia. Phát triển các hệ thống sau thu hoạch hiệu quả để đáp ứng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, giúp tăng cạnh tranh các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu; giảm tổn thất sau thu hoạch sản phẩm dưới 10%. Bảo vệ bản quyền giống Việt Nam trên thế giới”- Tiến sĩ Phong cho biết.

Hiện nay, Viện Cây ăn quả miền Nam đã hoàn tất xây dựng mô hình thiết kế máy rửa thanh long, dự tính hoàn tất các thông số thiết kế và năm 2014 sẽ thiết kế toàn bộ hệ thống rửa. Đã triển khai một số thí nghiệm về sau thu hoạch trên thanh long như nhiệt độ tồn trữ, nghiên cứu về bệnh sau thu hoạch, phương pháp đóng gói MAP…làm cơ sở cho việc phát triển hệ thống quản lý sau thu hoạch.

Đã thiết lập một số giải pháp giúp hoàn thiện quy trình bảo hộ giống thanh long mới. Đang thiết lập chương trình lai tạo giống thanh long mới. Đã và đang triển khai một số giải pháp nhằm xây dựng hệ thống sản xuất thanh long bền vững.

 Đóng gói thanh long xuất khẩu  tại Công ty Rau quả Tiền Giang.
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty Rau quả Tiền Giang.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam ông Haike Manning cho biết: “Dự án thể hiện bước đột phá mới, trong đó New Zealand và Việt Nam sẽ hợp tác cùng nhau sử dụng những kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu thế giới của New Zealand tạo ra các giống, trái mới”. Tiến sĩ Michael Lay-Yee, Giám đốc Chương trình viện trợ cho dự án cho biết, ban đầu dự án sẽ tập trung thực hiện ở tỉnh Tiền Giang và trên trái thanh long.

Tuy nhiên, năng lực thu được từ dự án sẽ dễ dàng được chuyển giao sang các cây trồng quan trọng khác của Việt Nam. “Chương trình tạo giống sẽ giúp phát triển các giống thanh long mới. Hệ thống sản xuất bền vững và hệ thống sau thu hoạch được cải tiến nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường giá trị cao. Mô hình thương mại hóa có kiểm soát sẽ được xây dựng nhằm thu lợi nhuận gia tăng từ các giống thanh long được bảo hộ thương hiệu. Tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ nghiên cứu, đào tạo và những người tham gia trong chuỗi giá trị…” - Tiến sĩ Michael Lay-Yee nói.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết, trong dự án này thanh long ruột tím hồng sẽ được đầu tư phát triển từ mô hình sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, tiếp thị ra thế giới để đạt hiệu quả thương mại hóa cao nhất, tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến, hai thị trường xuất khẩu đầu tiên của thanh long ruột tím hồng là New Zealand và Úc.

“Hỗ trợ phát triển bền vững các giống thanh long hiện có thông qua cải tiến quy trình sản xuất và sau thu hoạch. Hỗ trợ phát triển, bảo vệ và thương mại hóa các giống thanh long mới chất lượng cao hướng tới các thị trường xuất khẩu giá trị cao.

Tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho nông dân trồng thanh long (bao gồm nhóm nghèo và dễ bị tổn thương), tăng thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Công nghệ và kinh nghiệm thu được từ dự án có thể được chuyển giao áp dụng cho các giống trái cây khác. Giúp xây dựng một mô hình mẫu về quy trình sản xuất, sau thu hoạch và thương mại hóa nông nghiệp phù hợp nhất với thực tiễn phục vụ cho việc phát triển cây ăn trái của Việt Nam trong tương lai.

Tăng thu nhập cho nông dân và những đối tác tham gia vào quá trình sản xuất thanh long tại Việt Nam về lâu dài thông qua cải tiến chất lượng trái cây, bảo hộ giống và thương hiệu”- PGS-TS Châu cho biết mục đích lâu dài của dự án.

SĨ NGUYÊN

.
.
.