Doanh nghiệp đang kỳ vọng vào xuất khẩu gạo
Số lượng gạo xuất khẩu toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2013 giảm đến 24% và giảm 8,7% về giá trị. Từ đó cho thấy vừa qua tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp không thuận lợi. Theo dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh vẫn đang kỳ vọng tình hình xuất khẩu gạo tới đây sẽ khả quan hơn.
1. Sáng ngày 30-7, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè), chuyên xuất khẩu gạo ủy thác và trực tiếp cho biết, tình hình tiêu thụ và xuất khẩu gạo đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Điều này có cơ sở từ những động thái qua các chính sách điều hành lúa gạo trong nước và nhu cầu tiêu thụ ở các nước. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu hạt dài sáng ngày 30-7 được công ty mua vào với giá 7.300 đồng/kg, gạo nguyên liệu IR 50404 ở mức 6.900 đồng/kg. Tính bình quân, giá gạo nguyên liệu đã tăng 1.000 đồng/kg so với trước khi thực hiện chủ trương tạm trữ lúa gạo vụ hè thu.
Chuyển gạo xuống sà lan để xuất khẩu tại Công ty TNHH Song Thuận. |
Cùng chung với nhận định trên, ông Cao Minh Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Song Thuận minh họa thêm rằng, gần đây chủ trương nâng giá xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là những yếu tố quan trọng góp phần tác động làm cho giá lúa gạo vận động theo chiều hướng tăng lên. Theo ông Cao Minh Viễn, hiện tại nhu cầu mua gạo của Việt Nam có tăng hơn trước đây và xuất khẩu gạo sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong quý III. Do vậy, giá gạo nguyên liệu trong nước sẽ còn giữ được ở mức khá cao.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, sau khi thực hiện chủ trương tạm trữ lúa gạo vụ hè thu, giá lúa gạo đã tăng lên khá cao. Cụ thể giá lúa đã tăng thêm 600 đồng/kg, gạo cũng tăng thêm từ 800 - 1.000 đồng/kg. Thống kê của VFA đến ngày 29-7, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa dài từ 5.450 - 5.550 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện từ 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm từ 6.750 - 6.850 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện từ 8.050-8.150 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 7.600-7.700 đồng/kg và gạo 25% tấm từ 7.250-7.350 đồng/kg tùy chất lượng.
Động thái mới nhất của VFA là tăng giá sàn xuất khẩu gạo, đó cũng là tín hiệu mới của thị trường tiêu thụ lúa gạo. Căn cứ vào thị trường giá gạo thế giới và giá gạo trong nước, VFA đã công bố tăng giá xuất khẩu tối thiểu cho gạo 25% tấm lên 375 USD/tấn. Mức giá này tăng 3% so với 365 USD/tấn đã ấn định trong tháng 6-2013. Giá xuất khẩu của các loại khác do các thương nhân tính toán và quyết định, VFA đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm mức giá công bố này. Những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, rẻ nhất thế giới trong năm nay do nhu cầu thấp và nguồn cung cấp cao (355 USD/tấn đối với gạo 25% tấm).
2. Khi phân tích kỹ tình hình tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu, dù có những điểm sáng nhưng các doanh nghiệp cũng cho rằng thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu phân tích một cách sát sườn, sở dĩ giá lúa gạo tăng gần đây một phần là do chủ trương tạm trữ đã kích thích giao dịch trong nước, mặt khác là do các doanh nghiệp tập trung mua vào để kịp giao hàng theo những hợp đồng đã ký trước đây.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, hiện nay giao dịch lúa gạo thế giới chưa có nhiều hợp đồng với giá tốt. Những hợp đồng mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký trước đây, đối với gạo 5% tấm chỉ dao động từ 365-370 USD/tấn, trong khi giá thành sản phẩm gạo đã leo lên mức 390 USD/tấn, dẫn đến tình trạng lỗ vốn đối với những hợp đồng cũ. Trong khi đó, mức giá mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo chào hiện nay khoảng 390 USD/tấn chưa được khách hàng quan tâm lắm.
Một trong những yếu tố làm cho thị trường lúa gạo thế giới có phần trầm lắng là xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng lúa gạo của thế giới hiện không cao trong khi Thái Lan, một trong những quốc gia có lượng gạo dự trữ rất lớn, lại đang có chủ trương xả hàng, với giá thấp. Cụ thể là Thái Lan vừa bán lô hàng 30.000 tấn gạo cho Iraq với giá 430 USD/tấn, do vậy gạo của Việt Nam cũng không thể cao hơn mức giá này. Chủ trương của Thái Lan là tiếp tục xả hàng khoảng 1 triệu tấn gạo/tháng, do vậy cũng rất khó kỳ vọng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ ở mức cao.
Theo phân tích của lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ở một khía cạnh khác là giao dịch gạo của Việt Nam hiện nay thiếu những hợp đồng tập trung để dẫn dắt thị trường. Những năm trước đây, Philippines, Indonesia đều mua của Việt Nam 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm. Đây là những hợp đồng xuất khẩu lớn có thể dẫn dắt giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Indonesia chưa mua gạo của Việt Nam, trong khi Philippines chỉ mới mua 187.000 tấn. Thị trường lúa gạo của Việt Nam năm nay chỉ trông cậy phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Ở thị trường này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá gạo cao thì thị trường này sẽ giảm ngay số lượng mua vào.
Trước diễn biến này, theo lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, động thái của VFA trong việc tăng giá sàn xuất khẩu nhằm làm cơ sở về giá để đàm phán với các đối tác tiêu thụ lúa gạo lớn của Việt Nam và nhằm phù hợp với mặt bằng giá nguyên liệu trong nước. Nếu không đưa ra mức giá sàn xuất khẩu mới dễ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ lỗ vốn do giá gạo nguyên liệu trong nước từ tháng 5 đến nay bao giờ cũng cao hơn giá xuất khẩu, dù thực tế thị trường tiêu thụ gạo vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.
THẾ ANH