Giá gạo tăng, doanh nghiệp xuất khẩu hụt hơi
Thị trường gạo “ấm” lên với giá gạo nội địa và xuất khẩu đều tăng đã làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản này thêm lo lắng, dẫn đến tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu ngày một tăng.
Thà đền hợp đồng còn hơn giao hàng
Theo trang thông tin về thị trường gạo Oryza.com, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ trong 1 tuần trở lại đã tăng 3% tương đương 10 đô la Mỹ/tấn. Xu hướng tăng giá gạo xuất khẩu đã xuất hiện từ tháng 6 và duy trì đến nay.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu tăng khá mạnh, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu, vẫn không nhanh như giá gạo nội địa. Điều này đã làm ảnh hưởng đến khả năng giao hàng đối với các hợp đồng xuất khẩu đã ký.
Vận chuyển gạo đi lau bóng tại một doanh nghiệp xay xát. Ảnh: Vân Anh |
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy đã gần 1 triệu tấn gạo. Trong khi tính đến hết tháng 7-2013, các doanh nghiệp đã xuất khẩu (giao hàng) trên 4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,8 tỉ đô la Mỹ.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, các doanh nghiệp đã hủy hợp đồng, không giao hàng 180.000 tấn, phần lớn hợp đồng bị hủy trong tháng là do giá lên, các doanh nghiệp không giao hàng. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp lỡ ký hợp đồng giá thấp, các hợp đồng cùng đến hạn giao hàng gần nhau đã tạo nên nhu cầu lớn trong thời gian ngắn hạn, đẩy giá nội địa lên cao. Đến lúc này, nếu các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo nguyên liệu để thực hiện hợp đồng, họ sẽ bị lỗ nếu so với mức giá thấp đã lỡ ký trước đó.
Do vậy, theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, theo các điều khoản giao hàng hiện tại trong hợp đồng xuất khẩu gạo, nếu doanh nghiệp hủy, không giao hàng sẽ phải đền hợp đồng, nhưng do số tiền phạt không đáng kể so với số lỗ nếu giao hàng, họ chấp nhận hủy và đền hợp đồng. Sau đó, với giá gạo nội địa đang cao, doanh nghiệp mang ra bán ngoài thị trường sẽ có lời cao hơn nếu thực hiện đơn hàng xuất khẩu lỡ ký giá thấp.
Nhận định của các tổ chức dự báo giá gạo thế giới là giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng nhưng VFA cho rằng thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đang ở tình trạng cung lớn hơn cầu, với Ấn Độ và Thái Lan, hai nhà cung cấp gạo lớn khác đang “nhăm nhe” xả một lượng lớn hàng tồn kho ra thị trường, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, các nguồn tin đối tác cho biết thời gian qua Thái Lan đã bán hơn 100.000 tấn gạo tương đương chất lượng gạo phẩm cấp cao 5% tấm ra thị trường với giá trên 440 đô la Mỹ/tấn. Với giá này, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó bán với mức giá 410 đô la Mỹ/tấn để có mức lãi tương đối so với giá gạo nguyên liệu mua vào. Do vậy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm (FOB - giao hàng tại mạn tàu) ngày hôm nay chỉ ở mức 405 đô la Mỹ/tấn.
Điệp khúc giá lên, nông dân hết lúa
Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường sôi động trở lại nhưng trong nước diện tích lúa hè thu 2013 bị thu hẹp dần là nguyên nhân kéo giá lúa gạo nội địa tăng lên thời gian gần đây. Tuy nhiên, nông dân vẫn không được lợi từ việc giá lúa gạo tăng bởi đa số nông dân đã thu hoạch và bán lúa tươi ngay tại ruộng trước đó.
Ông Lê Văn Bền, nông dân xã Giục Tượng (Châu Thành, Kiên Giang), cho biết sau khi thu hoạch xong gần 4 ha lúa IR 50404 (vào đầu tháng 7-2013) ông đã bán lúa tươi ngay tại ruộng. Theo ông Bền, thời điểm đó giá lúa được ông bán ra chỉ 3.700 đồng/kg (lúa tươi), sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư (phân, thuốc, giống), mỗi ha chỉ lãi hơn 5 triệu đồng. Thông tin từ nhiều thương nhân kinh doanh lúa gạo, cho biết so với tuần trước, hiện giá lúa gạo tại ĐBSCL tiếp tục xu hướng tăng.
Theo thống kê của Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, tính đến đầu tháng 8-2013, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 1,1 triệu/1,68 triệu ha lúa hè thu 2013 ở ĐBSCL. Đa phần nông dân đã bán lúa tươi ngay tại ruộng khi thu hoạch xong, cho nên họ không được lợi gì từ việc giá lúa gạo tăng như hiện nay.
(Theo thesaigontimes.vn)