Giao quyền chủ động cho các địa phương trong xử lý sạt lở
Nằm trong tình trạng chung của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang - đặc biệt là các huyện phía Tây, tình trạng sạt, lở kinh, rạch diễn ra rất phức tạp. Nhiều tuyến giao thông nông thôn, vườn cây ăn trái, nhà dân bị sụt lún, sạt lở gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt và đời sống người dân.
Do nguồn vốn hạn hẹp, hàng năm Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB-TKCN) tỉnh chỉ tiến hành xử lý tạm thời đối với những điểm xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Vì thế, tình hình sạt lở trên địa bàn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết thực trạng này.
Sạt lở khắp nơi
Trung tuần tháng 4 vừa qua, trên địa bàn huyện Cái Bè đã xảy ra 2 điểm sạt lở rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến giao thông và việc đi lại của người dân. Đó là điểm sạt lở dài 80 m tại hộ ông Nguyễn Văn Thanh trên kinh Nguyễn Văn Tiếp B, thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Lợi B và điểm sạt lở trên kinh 28 tại hộ ông Nguyễn Thành Chiến thuộc ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp. Cả 2 điểm sạt lở này đều làm mất 2/3 chân nền dal.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão- Giảm nhẹ thiên tai (BCH PCLB-GNTT) huyện Cái Bè, các tuyến đường này mật độ xe lưu thông nhiều; các điểm sụp, sạt lở trên còn tiếp tục sạt lở nên rất nguy hiểm. Vì thế, huyện đã có tờ trình gởi đến tỉnh đề nghị khảo sát, xử lý 2 điểm trên.
Nhân dân đóng cừ chống sạt lở bờ kinh ở huyện Cái Bè. |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2005 - 2012, trên địa bàn khu vực phía Tây đã xử lý 248 điểm sạt lở có chiều dài 15.672 m với kinh phí trên 85 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2013, tại 4 huyện phía Tây của tỉnh và TP. Mỹ Tho còn 152 điểm sạt lở trên các kinh, rạch, trong đó có 39 điểm đề nghị tỉnh hỗ trợ xử lý khẩn cấp trên các tuyến kinh do tỉnh quản lý.
Nguyên nhân gây ra sạt lở được xác định là do nền đất yếu; dòng chảy có vận tốc lớn, đập thẳng vào bờ; do tác nhân của con người như sóng thuyền bè gây ra; các công trình nhà cửa, hạ tầng, bờ bao, đê chống lũ, các công trình vượt lũ, neo đậu tàu thuyền, công trình phà, bãi vật liệu xây dựng… gây tác động quá mức lên mép bờ sông, rạch.
Trao quyền chủ động cho địa phương
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở, tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng. Số điểm sạt lở diễn ra nhiều nhưng khả năng nguồn vốn có hạn nên chỉ xử lý tạm thời bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương tại những điểm nguy hiểm, bức xúc.
Vì thế, những điểm sạt lở nhỏ chưa được quan tâm qua từng năm thành sạt lở lớn, sạt lở mới tiếp tục phát sinh và có xu hướng ngày càng nhiều hơn, sạt rộng và sâu về phía bờ. Đó là chưa nói đến những điểm sạt lở cũ sau thời gian xử lý tạm lại tái sạt lở trở lại. Thực trạng xử lý rồi sạt, sạt rồi xử lý cứ vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có giải pháp khả thi.
Giao quyền chủ động cho địa phương trong phòng, chống sạt lở hy vọng sẽ hạn chế phần nào tình trạng sạt lở kinh, rạch ở khu vực phía Tây của tỉnh. |
Trong khi giải pháp căn cơ chưa có thì việc chủ động phòng, chống để giảm nguy cơ sạt lở được xem là cách làm hữu hiệu nhất và hoàn toàn có thể thực hiện. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão, hình thức xử lý trước đây, khi xảy ra sạt lở các địa phương tiến hành khảo sát rồi báo về BCH PCLB-TKCN tỉnh. BCH PCLB-TKCN tỉnh tiến hành khảo sát. Nếu những điểm sạt lở được đánh giá nguy hiểm và nghiêm trọng, tỉnh cho tiến hành xử lý.
Còn các huyện, xã tiến hành xử lý những điểm sạt lở nhỏ (tùy mức độ). Với cách làm như vậy, vô hình trung đã gây tâm lý trông chờ, ỷ lại vào tỉnh của chính quyền cấp dưới và người dân; nảy sinh ra tình trạng thụ động, ít quan tâm đến công tác phòng, chống sạt lở trên địa bàn. Mặt khác, với cách làm trên, việc xử lý sạt lở phải mất nhiều thời gian do phải qua khâu khảo sát của huyện, rồi tỉnh và sau đó mới tiến hành xử lý.
“Từ nay, tỉnh tiến hành giao quyền chủ động cho các địa phương và cơ sở. Cụ thể là khi xảy ra sạt lở trên địa bàn, các địa phương, cơ sở phải tiến hành khảo sát, xử lý bằng nguồn ngân sách của cấp mình. Khi nào nguồn ngân sách địa phương không kham nổi, huyện mới đề nghị lên tỉnh để hỗ trợ. Cách làm này, các địa phương rất đồng tình do tạo quyền chủ động từ khâu phòng đến xử lý sạt lở cho huyện, xã ”- ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết.
Ông Pháp còn cho biết thêm, ngay cả khi xảy ra sạt lở lớn, nguồn vốn ngân sách huyện không kham nổi, khi có đề nghị của huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho huyện thực hiện và huyện chủ động hoàn toàn trong khâu xử lý. Đây là cách mà các bộ, ngành Trung ương đã thực hiện lâu nay. Đặc biệt, cách làm này giúp cho các huyện, xã chủ động hơn trong công tác phòng, chống; tích cực vận động, tuyên truyền người dân cùng tham gia phòng, chống để ngăn chặn, hạn chế xảy ra sạt lở.
Từ đây, người dân sẽ có ý thức, có trách nhiệm hơn trong việc phòng, chống, góp phần giảm nguy cơ sạt lở. “Lâu nay người dân, cơ sở chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống sạt lở, mọi việc cứ trông chờ vào tỉnh. Cách làm này giúp cho cơ sở, địa phương, người dân chủ động và có trách nhiệm hơn đối với công tác này” - ông Pháp nói.
N.VĂN