Thứ Tư, 21/08/2013, 10:13 (GMT+7)
.

Hội thảo đánh giá mô hình thử nghiệm “1 phải, 6 giảm”

Ngày 17-8, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức hội thảo sơ kết  mô hình sản xuất lúa “1 phải, 6 giảm” tại HTX nông nghiệp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.

Mô hình “1 phải, 6 giảm” tức là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chi phí bơm tưới, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận cho nông dân; đặc biệt là áp dụng mô hình tưới nước ngập, khô xen kẽ, (tưới nước tiết kiệm) để giảm lượng khí phát thải nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường.

Thông qua báo cáo của các nhà khoa học, cán bộ trực tiếp theo dõi dự án và 6 hộ nông dân thực hiện thí điểm mô hình, cho thấy canh tác lúa theo mô hình “1 phải, 6 giảm”, tưới nước ngập, khô xen kẽ đã giảm được chi phí đáng kể so với mô hình đối chứng, giảm được lượng phân bón, thuốc BVTV, gia tăng độ dày thân lóng, lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, phù hợp thu hoạch cơ giới; lượng nước tiết kiệm trên 1.000 m3/ha nhờ giảm được số lần bơm.

Chính nhờ quản lý, điều chỉnh lượng nước ruộng lúa thích hợp theo thời kỳ sinh trưởng, mô hình đã giúp cắt giảm từ 20 tới 30% lượng khí thải nhà kính (CH4, CO2, H2S…) so với ruộng lúa tưới ngập nước liên tục suốt vụ.

Dự án đã gặt hái thành công bước đầu, mô hình “1 phải, 6 giảm” không chỉ đạt hiệu quả về kinh tế mà còn đạt hiệu quả thiết thực về môi trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải đối phó với tình hình biến đổi khí hậu xảy ra trên toàn cầu.

XUÂN TƯỚC

.
.
.