Thứ Hai, 19/08/2013, 07:08 (GMT+7)
.

Tái cấu trúc ngành Nông nghiệp: Đừng bỏ lỡ cơ hội của trái thanh long

Thực tế đã và đang diễn ra cho thấy, ngành Nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Tiền Giang nói riêng còn rất nhiều bộn bề. Từ thực tế này, khái niệm tái cấu trúc ngành Nông nghiệp được đưa ra gần đây cũng chính là nhằm giải quyết những tồn tại hiện hữu. Dẫu sao Nông nghiệp vẫn còn là ngành chủ lực của các tỉnh ĐBSCL, nhưng muốn thay đổi là điều không phải đơn giản. Ở Tiền Giang, việc tái cấu trúc ngành Nông nghiệp có lẽ nên bắt đầu từ những nhóm ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với các địa phương khác.

Bài 2: Tận dụng lợi thế xuất khẩu thủy sản

Bài 3: Không để hạt gạo bị “cắn làm 8”

Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng đầu cả nước nên tái cấu trúc ngành Nông nghiệp Tiền Giang không thể bỏ qua nhóm hàng này. Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), có lẽ chưa có loại nông sản nào có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng và ổn định như trái thanh long. Chưa kể Dự án hỗ trợ phát triển giống cây ăn trái mới chất lượng cao Việt Nam - New Zealand vừa được triển khai. Nếu không nắm bắt và tận dụng được cơ hội này là một điều thật đáng tiếc.

Diện tích trồng mới thanh long ở xã Quơn Long tăng nhanh gần đây.
Diện tích trồng mới thanh long ở xã Quơn Long tăng nhanh gần đây.

1. Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (SOFRI), người đã nhiều năm theo dõi và nghiên cứu diễn biến xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng phải thốt lên rằng, chỉ có trái thanh long mới làm nên thành tựu to lớn cho ngành xuất khẩu rau, quả Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng.

Thanh long là một trong những nông sản có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong nhóm rau, quả xuất khẩu, từ chỗ chỉ chiếm 20% đã vươn lên chiếm 50% trong tổng giá trị các loại trái cây xuất khẩu. Nếu như năm 2003 cả nước xuất khẩu thanh long chỉ mang về khoảng 5,8 triệu USD, sang năm 2005 là 10,4 triệu USD, đến năm 2011 là 107 triệu USD và năm 2012 là 181 triệu USD (trong khi cả nước xuất khẩu trái cây chỉ đạt 360 triệu USD). Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu trái thanh long đã đạt được 94 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 145.000 tấn.

Trên bình diện chung, trái thanh long của Việt Nam đã có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ to lớn của trái thanh long Việt Nam; trong 6 tháng đầu năm 2013, thị trường này đã chiếm 69% (đạt 65 triệu USD, tăng 20%).

Ngoài thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, hầu hết các thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam đều tăng trưởng, chẳng hạn thị trường Mỹ tăng 51%, Thái Lan tăng 42%, Indonesia tăng 40%, Đức tăng 50%, Bỉ tăng 7 lần… Trong khi đó, giá thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bình quân 6 tháng đầu năm 2013 tăng 20% (tương đương 566 USD/tấn), sang Thái Lan cũng tăng 25% (tương đương 638 USD/tấn).

Thị trường tiêu thụ trái thanh long được mở rộng ngoài nhu cầu tiêu dùng bình thường còn có phần do tên của sản phẩm và hình dáng, màu sắc phù hợp với người Á Đông. Theo nhận định của Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, trái thanh long còn có cơ hội tốt trong thời gian tới nên chúng ta cũng cần tranh thủ nắm bắt cơ hội này.

Ở khía cạnh xuất khẩu trái tươi, theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, năm 2013 cũng được dự đoán có nhiều thuận lợi, nhất là đối với trái thanh long. Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) một trong những đơn vị chuyên cung ứng trái thanh long xuất khẩu với số lượng lớn, cho biết trong năm 2013 một số nước sẽ mua thanh long nhiều hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc. Đài Loan cũng đang tiến hành rà soát các thủ tục để nhập lại trái thanh long Việt Nam sau thời gian tạm ngưng nhập khẩu. Đây là một trong những thị trường tiêu thụ trái thanh long rất mạnh, giá cũng khá tốt.

Thị trường tiêu thụ Mỹ hiện nay vẫn ổn, nhưng hiện còn “vướng” là việc kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu vào thị trường này rất chặt chẽ, buộc lòng phải nâng cao chất lượng trái thanh long. “Cần phát triển thêm nhiều mô hình trồng thanh long theo VietGAP để cho an toàn, vì nhiều thị trường tiêu thụ cũng đang hướng đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Gần đây, khách hàng đặt hàng đều đòi hỏi sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP”- ông Trần Hữu Danh nhận định.

2. Liên quan đến những lo ngại về diện tích trồng thanh long tăng nhanh trong thời gian gần đây liệu có dẫn đến tình trạng dư thừa hay không? Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập nhìn nhận rằng, diện tích trồng thanh long thời gian qua có tăng nhưng vẫn còn chậm hơn những cơ hội về tiêu thụ thanh long đang có.

Thực tế là diện tích trồng thanh long chỉ có ở Tiền Giang tăng nhanh trong vòng 2-3 năm gần đây, từ chỗ hơn 2.000 ha đã tăng lên 3.500 ha và chiếm 10% tổng diện tích trồng thanh long của cả nước. Trong khi đó, Bình Thuận và Long An, hai tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn của cả nước, gần đây diện tích trồng mới không nhiều.

Nông sản đông lạnh cũng có lợi thế

Trao đổi gần đây, ông Pham Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Long Uyên cho biết, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản ở các nước còn tương đối lớn và tùy thuộc vào mùa vụ.

Tiềm năng về các mặt hàng nông sản đông lạnh đang còn là thế mạnh vì ở các nước phát triển hiện nay đang khống chế nhập trái cây tươi do chưa đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất khẩu, các loại nông sản của Việt Nam tới đây cần đạt được các tiêu chuẩn, ít nhất cũng là Global GAP. Một số mặt hàng nông sản có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm tới là xoài, chôm chôm, khoai mì…

Trước những điều kiện hiện nay, công ty vừa đầu tư xây dựng nhà máy mới có diện tích 7.000 m2, với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng nhằm đảm bảo một cách tốt nhất các tiêu chí xuất khẩu của các nước.

Năm 2012, công ty đã xuất khẩu khoảng 2.000 tấn sản phẩm nông sản các loại, trong đó chủ yếu là trái cây xuất khẩu.

Tiền Giang có diện tích trồng thanh long tăng nhanh là do một phần diện tích trồng lúa có hiệu quả thấp nên người dân chuyển đổi cây trồng và một số vùng ngoài quy hoạch trồng thanh long cũng phát triển, chẳng hạn như ở huyện Tân Phước, huyện Gò Công Tây.

Ở tỉnh Bình Thuận và Long An có quy hoạch trồng thanh long rất rõ ràng và chỉ có những hộ trồng thanh long trong quy hoạch mới được cung cấp điện đầy đủ để xử lý thanh long nghịch vụ, trong khi Tiền Giang quy định này hiện nay là chưa rõ ràng.

Thời gian qua thu nhập của người trồng thanh long tương đối ổn định, nên phong trào cải tạo vườn cũng phát triển mạnh. Giờ đây, nếu có dịp về xã Quơn Long (Chợ Gạo), chúng ta dễ dàng nhận thấy những vườn thanh long trồng trụ xi măng thông thoáng, ngay hàng thẳng lối thay thế cho những vườn trồng bằng cây me tây um tùm trước đây.

Ông Huỳnh Văn Hừng, một trong những người trồng thanh long lâu năm cho biết, hầu hết vườn thanh long trong xã hiện nay đều trồng bằng trụ xi măng, chỉ còn một số ít trồng bằng me tây do thiếu vốn. Khoảng 5 năm nữa, số vườn trồng trụ me tây sẽ được thay hết bằng trụ xi măng, bởi hiệu quả trồng bằng trụ xi măng đã thấy rõ ràng là năng suất cao, trồng được nhiều trụ nên hiệu quả cũng cao hơn.

Thời gian qua thanh long Việt Nam ít có đối thủ cạnh tranh, nhưng hiện nay đã có nhiều nước nhìn thấy cơ hội và “dòm ngó”. Một số nước đã bắt đầu trồng thanh long như Trung Quốc, Sri Lanka nên Việt Nam sẽ không còn là nước xuất khẩu trái cây độc quyền, nhưng vẫn còn có cơ hội xuất khẩu rất lớn.

“Chúng ta cần có quy hoạch, tổ chức sản xuất phù hợp với phân khúc thị trường tiêu thụ, theo nhu cầu của khách hàng và tập trung vào nâng cao chất lượng để tăng cường khả năng cạnh tranh, không nên mở rộng diện tích một cách tràn lan mà nên tập trung đi vào chất lượng sản phẩm”- Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập cho biết.

THẾ ANH

Bài 2: Tận dụng lợi thế xuất khẩu thủy sản

.
.
.