Thứ Tư, 21/08/2013, 10:25 (GMT+7)
.

Tái cấu trúc ngành Nông nghiệp: Tận dụng lợi thế xuất khẩu thủy sản

Bài 1: Đừng bỏ lỡ cơ hội của trái thanh long

Bài 3: Không để hạt gạo bị “cắn làm 8”

Tiền Giang hiện có nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn. Đây là lợi thế không phải địa phương nào cũng có được. Do đó, việc tập trung đầu tư, hỗ trợ cho nhóm ngành này sẽ là những “cú hích” quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển.

1. Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có gần 50 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến thủy sản. Điều đáng chú ý là có gần 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô tương đối lớn, tập trung ở Khu công nghiệp Mỹ Tho và vùng lân cận; trong đó có những doanh nghiệp có quy mô về xuất khẩu đứng nhất nhì của cả nước, mà chủ yếu tập trung vào ngành hàng chế biến cá tra xuất khẩu.

Đây là một trong những nhóm ngành mang tính độc quyền của Việt Nam và có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhìn chung những doanh nghiệp lớn của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có công nghệ tương đối hiện đại, đạt trình độ công nghệ cũng như chất lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Chế biến thủy sản xuất khẩu đang là lợi thế của Tiền Giang.
Chế biến thủy sản xuất khẩu đang là lợi thế của Tiền Giang.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay cá tra là loại thực phẩm có chất lượng ngon, giá thành phù hợp, thị trường tiêu thụ rộng, với hơn 100 quốc gia, hàng năm thu về nguồn ngoại tệ lớn; đồng thời tạo việc làm cho rất nhiều lao động làm công nhân ở nhà máy, người nuôi cá...

Trong thành tựu của ngành Thủy sản xuất khẩu những năm gần đây của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, con cá tra được xem là đã mang lại nhiều kỳ tích. Thực tế đã cho thấy, chỉ hơn 10 năm tham gia xuất khẩu, năm 2012 con cá tra của ĐBSCL đã mang về 1,74 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2013 cũng đã mang về  800 triệu USD.

Trên địa bàn tỉnh, năm 2012 xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 450 triệu USD, chiếm xấp xỉ 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, trong đó con cá tra chiếm trên 80%. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thủy sản của Tiền Giang cũng đạt trên 145 triệu USD và đa phần là do sản phẩm cá tra chế biến mang lại.

Điều đáng nói là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển hướng đầu tư theo hướng chuyên sâu hơn, bắt đầu từ con giống, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chế biến thức ăn và chế biến sản phẩm xuất khẩu.

Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh gần đây, ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (Khu công nghiệp Mỹ Tho), một trong những doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu cá tra đứng thứ nhì của cả nước, cho biết nhờ dự đoán được tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu nguyên liệu nên từ năm 2010 công ty đã chuyển nguồn vốn sang nuôi trồng.

Hiện tại, công ty đã sở hữu hơn 250 ha diện tích mặt nước, cùng với hơn 100 ha diện tích nuôi trồng của các hộ dân mà công ty đã có quan hệ hợp tác; Hùng Vương đã có ưu thế hơn nhờ chủ động được đến 70% nguồn nguyên liệu chế biến. Đồng thời với những lợi thế về sản phẩm cũng như thị trường xuất khẩu, Hùng Vương luôn đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 200 triệu USD.

Công ty cổ phần Gò Đàng cũng là một trong những doanh nghiệp có quy mô chế biến xuất khẩu tương đối lớn đã và đang xây dựng mô hình sản xuất - kinh doanh khép kín. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc công ty cho biết, năm 2013 công ty phấn đấu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, xuất khẩu 20.000 tấn sản phẩm các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD, lợi nhuận dự kiến đạt 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục đầu tư một số dự án sản xuất – kinh doanh mới như: Kho chứa hàng công suất 5.000 tấn; nhà máy chế biến bột cá công suất 10 tấn/giờ; nhà máy chế biến thủy sản có công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày; đầu tư mở rộng vùng nuôi cá tra nguyên liệu thêm 50 ha, nâng tổng vùng nuôi của công ty lên 180 ha…. Tổng vốn đầu tư cho các dự án đầu tư mới khoảng 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo, cái khó hiện tại của nhóm ngành này là còn vướng víu ở nhiều khâu trong chuỗi sản xuất.

2. Trước những khó khăn gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến phương án tái cấu trúc hoạt động và đưa ra những chiến lược sản xuất – kinh doanh phù hợp. Ông Vũ Tuấn Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hà cho biết, công ty cố gắng giữ sản lượng sản xuất bằng với kế hoạch năm 2012.

Ngay từ đầu năm lãnh đạo công ty đã thực hiện giải pháp liên kết 3 bên (công ty, đơn vị cung ứng thức ăn và người nuôi). Theo đó người cung cấp thức ăn sẽ cung cấp thức ăn cho người nuôi và người nuôi cá sẽ cung cấp cho nhà máy chế biến. Mối liên kết này sẽ giải quyết hài hòa mối liên hệ lợi ích giữa người nuôi, chế biến thức ăn và chế biến xuất khẩu. Đồng thời, công ty cũng gia tăng vùng nuôi khép kín từ con giống cho đến nuôi thương phẩm, kể cả cung cấp thức ăn và chế biến xuất khẩu. Nếu khép kín như vậy sẽ giảm được chi phí cho tất cả các khâu lưu thông và đảm bảo được nguồn cung cấp nguyên liệu thường xuyên cho công nhân làm việc trong nhà máy.

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tốt

Ngày 19-6 của UBND tỉnh ban hành Quyết định 26 về chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí cho điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, xác định vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; hỗ trợ lần đầu 100% kinh phí xét nghiệm mẫu kiểm tra điều kiện sản xuất, mẫu sản phẩm theo các quy định hiện hành của từng loại sản phẩm. Cụ thể, đối với nuôi thủy sản:

- Hỗ trợ 30% chi phí mua con giống theo giá thời điểm sản xuất (áp dụng duy nhất một lần cho mỗi cơ sở);

Hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà vệ sinh tự hoại; kho chứa thức ăn, thuốc thú y, hóa chất phục vụ nuôi; kho chứa thiết bị, dụng cụ nuôi; tủ thuốc gia đình;

Hỗ trợ 50% chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định…

Khi bàn đến những lợi thế và bất cập của ngành Nông nghiệp nói chung và Thủy sản nói riêng, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong “thế giới phẳng” hiện nay, chúng ta không nên quá câu nệ về việc tại sao Tiền Giang có nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản có quy mô lớn, nhất là đối với cá tra, nhưng lại không có nhiều vùng nuôi tập trung.

Chúng ta nên khai thác lợi thế so sánh của mỗi tỉnh, thành. Tiền Giang nên tập trung khai thác lợi thế từ các nhà máy chế biến xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản xuất con giống phục vụ cho nuôi trồng hơn là chú trọng vào xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu.

Còn theo ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương, hiện tại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản nói riêng đều gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ ngày càng giảm.

Hơn nữa giá bán bị cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau dẫn đến việc xuất khẩu gặp khó khăn nên lượng hàng tồn kho so với sản xuất còn cao.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp phải tái cấu trúc, nhất là tái cấu trúc về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại thị trường để đảm bảo nguồn tiêu thụ.

Về phía các cơ quan Nhà nước phải tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh là hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết và chọn lựa; tiếp tục tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

THẾ ANH

Bài 3: Không để hạt gạo bị “cắn làm 8”

.
.
.