Vĩnh Kim - hướng đến đô thị bên bờ Rạch Gầm
Với vị trí ở giữa các xã phía Nam Quốc lộ 1A, được thiên nhiên ưu đãi thích hợp phát triển cây ăn trái (cái nôi hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản vú sữa Lò Rèn), từng là nơi hội tụ anh hùng hào kiệt, nhân sĩ, trí thức và còn là cứ điểm cách mạng vững chắc, Vĩnh Kim từ lâu đã tạo nên một vị thế trung tâm của khu vực và đang tiếp tục khẳng định vị thế ấy trong tương lai.
Chợ Giữa - Vĩnh Kim. |
HỘI TỤ ĐỊA LỢI VÀ NHÂN HÒA
Theo lời những người cao niên nơi đây, thuở khai hoang mở đất của cư dân người Việt, vùng đất nằm bên bờ Rạch Gầm rất hoang vu, chỉ nghe toàn những tiếng gầm rú của cọp, voi, beo… nên người ta gọi rạch Cọp Gầm, sau đó người dân nói gọn thành Rạch Gầm. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, quanh năm nước ngọt, phù sa sông rạch bồi đắp màu mỡ, cây cối quanh năm xanh tốt, dần theo thời gian, dân cư quần tụ về đây sinh sống.
Trong đó, Vĩnh Kim có vị trí khá thuận lợi và dân cư tập trung rất đông do nằm chính giữa vùng đất này, lại có con sông Rạch Gầm (còn có tên Sầm Giang) uốn lượn chạy qua trước khi hợp lưu với sông Tiền nên thuận tiện cho giao thông thủy, bộ để trao đổi mua bán hàng hóa. Do vị thế này,Vĩnh Kim từng được chọn là trung tâm của huyện Châu Thành Nam trước giải phóng.
Nơi đây còn là cái nôi hình thành và phát triển nên vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn rộng lớn “ độc nhất vô nhị” trong khu vực và cả nước. Chính vì vậy, từ rất sớm, khu chợ Giữa trở thành nơi buôn bán trái cây tấp nập.
Ông Trương Hồng Sơn, 81 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim có nhiều năm gắn bó, tìm hiểu vùng đất này cho biết: Do nằm ở giữa các xã phía Nam lộ, ngay từ trước giải phóng, người dân các vùng xung quanh thường mang thịt, cá, trái cây về chợ Giữa để bán, người dân quanh vùng cũng thường đến đây mua đồ về dùng, tạo nên khu vực dân cư đông đúc, mua bán rất nhộn nhịp. Lúc đó, người dân quen gọi nơi đây là chợ Giữa.
Đến mùa vú sữa, hoạt động mua bán trái cây diễn ra suốt ngày đêm, nhộn nhịp cả một vùng. Sau giải phóng, nhất là khi có chủ trương phát triển cây ăn trái ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A và hiện nay hoạt động mua bán trái cây ở khu vực trung tâm của xã càng sôi động, tất bật suốt năm, nhất là vào dịp Tết. Chợ trái cây hoạt động mạnh kéo theo các hoạt động thương mại, dịch vụ khác phát triển theo.
Vĩnh Kim còn là nơi sản sinh, hội tụ, gặp gỡ nhân sĩ, trí thức, là vùng đất có truyền thống cách mạng (xã đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”). Nơi đây được tiến sĩ Phan Hiển Đạo, vị tiến sĩ đầu tiên của đất Định Tường chọn để sinh sống đến cuối đời; từng chứng kiến những cuộc gặp gỡ của các nhân văn, thi sĩ nổi tiếng bàn luận về thi ca, văn phú như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận…
Nơi này từng đón tiếp nhiều vị tiền bối cách mạng như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng… Vùng đất này cũng đã sản sinh nhiều nhân tài, trí thức yêu nước nổi danh như Bộ trưởng Bộ Canh nông và Kinh tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ngô Tấn Nhơn; GS.TS Trần Văn Khê; TS. Nguyễn Văn Nam (người viết bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam); TS. Nguyễn Tấn Phát…
Từ vị thế địa lợi, nhân hòa đó đã thu hút mạnh mẽ dân cư các vùng lân cận về đây sinh sống, kinh doanh, học tập, góp phần sớm hình thành và củng cố thêm vị thế trung tâm của khu Chợ Giữa - Vĩnh Kim cho đến ngày nay.
HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ TƯƠNG LAI
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khu chợ Giữa - Vĩnh Kim tiếp tục là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khu vực các xã lân cận của huyện Châu Thành. Đặc biệt, nơi đây hình thành nên chợ đầu mối trái cây lớn bậc nhất của tỉnh và khu vực. Mỗi ngày, trái cây từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh được vận chuyển về đây, rồi từ đây đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong nước.
Theo ước tính, trái cây vận chuyển qua chợ đầu mối Vĩnh Kim hàng năm khoảng 100 ngàn tấn các loại. Trước nhu cầu mua bán trái cây ngày càng cao, tỉnh, huyện đã đầu tư xây mới chợ trái cây với diện tích 3,4 ha, góp phần giúp cho hoạt động thương mại, dịch vụ ở khu vực trung tâm xã thêm nhộn nhịp. Hoạt động buôn bán trái cây phát triển kéo theo các hoạt động dịch vụ, giao lưu hàng hóa khác phát triển.
Năm 2009, Chợ Giữa - Vĩnh Kim được xây dựng mới và đưa vào sử dụng với quy mô 250 hộ kinh doanh lớn, nhỏ. Các hoạt động dịch vụ, thương mại khác ngoài khu chợ cũng phát triển không kém như các shop, cửa hàng, vựa trái cây, ngân hàng, bến xe tải và xe khách; hệ thống giao thông, trường học, y tế… được đầu tư khá đồng bộ. Cụ thể như có phòng khám đa khoa khu vực, trường trung học phổ thông, ngân hàng… Hoạt động kinh tế phát triển dẫn đến đời sống người dân không ngừng nâng lên.
Theo tính toán, đến năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của xã là 21 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập cao nhất là khu trung tâm xã. Xã phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33,5 triệu đồng/người/năm và năm 2020 là 54,4 triệu đồng/người/năm.
Đó là lý do huyện Châu Thành đã có chủ trương quy hoạch khu trung tâm xã và một số vùng lân cận lên thị trấn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết, theo quy hoạch xã Vĩnh Kim đến năm 2020, thị trấn lấy tên là Chợ Giữa dự kiến hình thành trên cơ sở tách một phần của xã Vĩnh Kim với diện tích 202,82 ha gồm các ấp: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Bình và một phần ấp Vĩnh Thới của xã Bình Trưng, một phần ấp Vĩnh Thới A của xã Đông Hòa với tổng diện tích của thị trấn là 265 ha, dân số đến năm 2020 là 10.568 người.
Cũng theo quy hoạch, thị trấn phát triển theo 2 hướng chính là phía Bắc và Đông Nam dọc trục tỉnh lộ 876, huyện lộ 35. “Với tiềm năng và ưu thế sẵn có hiện nay là chợ đầu mối trái cây, chợ Giữa - Vĩnh Kim có quy mô lớn mang tầm vóc khu vực, có trường trung học phổ thông, phòng khám đa khoa, ngân hàng và các hoạt động thương mại, dịch vụ khác khá nhộn nhịp làm nền tảng phát triển khi trung tâm của xã lên thị trấn trong tương lai”- ông Hải nói.
N.VĂN