Xã Tân Đông: Đi lên nông thôn mới - còn nhiều việc phải làm
Dù còn nhiều khó khăn, bộn bề công việc phải làm nhưng qua nỗ lực phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân, đến nay xã Tân Đông (Gò Công Đông) đã đạt được 10/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM).
2 NĂM ĐẠT THÊM 6 TIÊU CHÍ
Ông Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Ban Quản lý xây dựng NTM cho biết, Tân Đông là một trong những xã văn hóa đầu tiên của huyện (năm 2001) và duy trì danh hiệu này liên tục đến nay. Dù vậy, qua điều tra, khảo sát vào năm 2011, xã chỉ có 4 tiêu chí đạt chuẩn NTM (thủy lợi, bưu điện, an ninh trật tự, văn hóa).
Nhận thấy trước những khó khăn trong quá trình đến xã NTM, Đảng bộ, chính quyền và đoàn thể xã quán triệt chủ trương trong nội bộ; lập ra các tổ phụ trách các tiêu chí và phân công thành viên ban chỉ đạo, ban quản lý phụ trách các tổ; tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng chương trình qua những việc làm cụ thể là góp tiền, hiến đất, vật kiến trúc xây dựng hạ tầng. Từ đó, chương trình được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Không chỉ hiến đất, vật kiến trúc, có nơi hộ dân còn góp tiền để làm đường.
Đường giao thông nông thôn đi qua ấp Gò Lức và Gò Táo được trải nhựa, xe cộ đi lại dễ dàng. |
Xác định khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM là nguồn vốn xây dựng hạ tầng, từ đó xã chủ động, tập trung nâng các tiêu chí “tự thân” có khả năng thực hiện, không đòi hỏi nhiều nguồn lực. Trước tiên, xã xúc tiến xây dựng đề án, đồ án quy hoạch, trong đó tập trung hoàn thành đề án (đồ án phải thuê tư vấn). Kết quả, đến cuối năm 2011, đề án xây dựng NTM của xã đã được phê duyệt. Riêng đồ án quy hoạch, tuy có những chỉnh sửa cho phù hợp nhưng đến cuối năm 2012 cũng đã được phê duyệt, qua đó tạo điều kiện cho tiêu chí quy hoạch đạt yêu cầu của bộ tiêu chí.
Đối với hộ nghèo, thông qua dự án, chương trình hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, đến cuối năm 2011 xã đã đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống 7% theo yêu cầu của tiêu chí. Không dừng lại ở đó, các chương trình, dự án hỗ trợ vốn vay, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, mỗi năm đã giúp khoảng 30 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đến nay xuống còn 4,32%.
Bằng kế hoạch cụ thể từng tháng, quý, năm, Ban Quản lý xây dựng NTM xã phối hợp với ban, ngành xã vận động, tuyên truyền người dân tham gia mô hình hợp tác rau an toàn, lúa giống, sản xuất và tiêu thụ sơ ri. Tuy còn nhiều khó khăn, tổ chức hoạt động chưa chặt chẽ nhưng nông sản của tổ viên có đầu ra, sản xuất đạt lợi nhuận. Qua sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực của cơ sở đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và tiếp nhận mới, kết quả là đội ngũ cán bộ, công chức của xã đã được chuẩn hóa.
Ngoài ra, qua điều chỉnh một số chỉ tiêu, tiêu chí giáo dục, tỷ lệ cơ cấu lao động của xã được nâng lên đạt chuẩn; đồng thời với nâng các tiêu chí không đòi hỏi nhiều nguồn lực, xã còn quan tâm nâng các tiêu chí còn lại, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng. Cụ thể, qua nguồn vốn xây dựng NTM, vốn vận động, sự hưởng ứng của nhân dân qua hiến đất, vật kiến trúc… xã đã nâng cấp đường giao thông nông thôn, nạo vét một số tuyến kinh, xây dựng các cống và cầu, xây dựng trụ sở ấp văn hóa, tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục…
CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
Trong các tiêu chí còn lại, Ban Chỉ đạo xã đánh giá có không ít tiêu chí rất khó thực hiện, nhất là những tiêu chí cần nhiều nguồn lực. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, trước mắt trong năm 2013 xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí gồm: điện, nhà ở dân cư và y tế.
Đối với tiêu chí điện, hiện nay xã còn chỉ tiêu về đường điện hạ thế đảm bảo kỹ thuật chưa đạt yêu cầu. Theo Ban Quản lý xã, thời gian qua ngành Điện đã tiến hành cải tạo dần các đường điện không đảm bảo an toàn và đang tiếp tục cải tạo những tuyến còn lại theo hướng những tuyến bức xúc làm trước. Vì thế, việc đạt tiêu chí này phụ thuộc vào ngành Điện và hoàn toàn có khả năng đạt được.
Còn tiêu chí nhà ở, theo ông Hồng, nếu căn cứ vào tiêu chí của Bộ Xây dựng, trên địa bàn xã có rất ít nhà đạt yêu cầu. Vì thế, xã chủ trương xác định nhà ở đạt tiêu chí này là hộ có nhà ở ổn định, vách tường. Theo hướng này, thông qua xây dựng nhà tình nghĩa, nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, việc nâng tỷ lệ nhà ở đạt yêu cầu từ 56% lên 70% trong năm nay không phải là điều quá tầm tay.
Vấn đề khó khác là nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hiện nay từ 45% lên 70% đối với tiêu chí y tế. Cái khó ở chỗ là phần lớn người dân trong xã làm nghề nông, thu nhập thấp và bấp bênh, trong khi đó chi phí đóng bảo hiểm y tế tương đối cao so với khả năng của họ. Mặt khác, việc phục vụ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế còn lắm vấn đề, nhiều nơi gây bức xúc trong dư luận nên người dân còn ngán ngại. Dù vậy, xã sẽ nỗ lực tuyên truyền, vận đông người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Tiêu chí trường học và môi trường là mục tiêu của xã hoàn thành vào năm 2014. Cái còn thiếu của tiêu chí trường học là khó khăn về diện tích đất để các trường đạt chuẩn. Xã sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục đề nâng tiêu chí này.
Đối với tiêu chí môi trường, xã đang lúng túng và chưa có hướng giải quyết là nghĩa trang nhân dân. Nguyên nhân là do xã không có đất và kinh phí để thực hiện. Đó là chưa nói đến hiệu quả của mô hình sau khi hoàn thành như thế nào (rất khó thay đổi tập quán chôn cất của người dân trong thời gian ngắn). Trước mắt, xã tiếp tục vận động nhân dân chôn cất theo quy hoạch, kế tiếp đề nghị cấp trên hỗ trợ thực hiện tiêu chí này; đồng thời tính đến giải pháp kêu gọi tư nhân đầu tư.
Năm 2015 được xem là năm thực hiện nhiều tiêu chí khó khăn nhất. Hiện nay, xã chỉ mới đạt 50% tiêu chí giao thông. Thực hiện tiêu chí này, xã chủ trương vận động người dân tự làm đường ngõ xóm, xã làm các đường trục, liên ấp. Theo cách này, xã cần phải nâng cấp 15 km đường với kinh phí 12 tỷ đồng. Với nguồn vốn hạn hẹp, việc thực hiện không dễ chút nào nhưng xã cố gắng hoàn thành tiêu chí này theo kế hoạch. Xã cũng kiến nghị huyện hỗ trợ mua đất để xây dựng chợ nông thôn, giúp xã hoàn thành tiêu chí số 7.
Nhà văn hóa xã đã xuống cấp và chưa có khu thể thao đạt chuẩn; các ấp chưa có khu thể thao theo quy định. Hiện trạng cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn xã rất kém; việc đầu tư, nâng cấp đòi hỏi vốn lớn, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
Thu nhập là tiêu chí cuối cùng để hoàn thành mục tiêu xã NTM, cũng là khó đạt nhất. Theo quy định, năm 2012 xã NTM đạt thu nhập 20 triệu đồng/người/năm, năm 2015 là 29 triệu đồng và năm 2020 đạt 49 triệu đồng, trong khi thu nhập bình quân đầu người của xã hiện chỉ 14 triệu đồng/năm. Trong điều kiện phần lớn hộ dân sống bằng nghề nông, không có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn để thu hút nhiều việc làm trên địa bàn, do đó xã rất khó nâng thu nhập lên nhanh để đạt tiêu chí. Trong khả năng có thể, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Với 24/39 chỉ tiêu đạt theo quy định thuộc 19 tiêu chí, xã còn rất nhiều việc phải làm trên đường đi lên NTM. “Hiện nay, xã đã hoàn thành lộ trình xây dựng NTM giai đoạn từ năm 2013-2015 đang trình huyện phê duyệt. Nếu không có gì thay đổi, xã sẽ tiếp tục tập trung vào tiêu chí có khả năng đạt, củng cố các tiêu chí đã đạt, nâng dần các tiêu chí khó để hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM theo lộ trình đề ra”- ông Hồng nói.
N.VĂN