Thứ Sáu, 20/09/2013, 10:51 (GMT+7)
.

Bùi Công Thành: Ông chủ mẫu mực của một gia đình nông dân thành đạt

Mỗi khi có dịp về kinh Ba (Tân Lập 2, Tân Phước), tôi không khỏi ngạc nhiên trước màu xanh của khóm, khoai mỡ, khoai mì, của lúa năng suất cao chạy mút tầm mắt. Nơi ấy, nhờ bàn tay lao động cần cù và sự nhạy bén trước những thời cơ và vận hội mới, nhiều nông dân đã phát huy tốt tiềm năng vùng đất mới, tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong những hộ tiêu biểu có gia đình ông Bùi Công Thành, sinh năm 1953.

Ông Bùi Công Thành kể, quê ông ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Năm 1989, hưởng ứng chủ trương di dân lập nghiệp trên vùng đất mới của Nhà nước, ông đưa gia đình vào dựng nhà ven bờ kinh Sáu Ầu thuộc xã Tân Lập 2. Tại đây, ông được Nhà nước cấp đất sản xuất, được hỗ trợ vốn và tạo những tiện nghi tối thiểu giúp các hộ dân sớm ổn định đời sống trên miền quê mới.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Bùi Công Thành hàng ngày vẫn miệt mài lao động.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Bùi Công Thành hàng ngày vẫn miệt mài lao động.

Vào cuối thập niên 1980, khu vực xã Tân Lập 2 còn hết sức khó khăn. Cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi thiếu và yếu. Giao thương trắc trở, đất đai còn nhiễm phèn nặng rất khó canh tác. Tuy nhiên, ông không nản chí mà động viên cả nhà kiên quyết bám trụ, tìm cách giải bài toán cây trồng, vật nuôi hiệu quả và phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng vùng nhiễm phèn. Cây trồng ông đặc biệt chú ý là khóm, bởi chúng thích nghi với đất nhiễm phèn, năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi vì là nguồn nông sản có giá trị chế biến xuất khẩu rất cao.

Khai hoang từng bước, mỗi ngày một ít, với những tính toán làm ăn bài bản, khoa học, hơn hai mươi năm sau ông Bùi Công Thành đã có gia sản 6 ha đất trồng khóm cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, một căn nhà khang trang trị giá nửa tỷ đồng, cùng nhiều tư liệu sản xuất khác.

Từ chỗ còn xa lạ với vùng đất mới, sau ngần ấy năm gắn bó với đồng đất Tân Lập, ông Bùi Công Thành đã trở thành “chuyên gia chân đất” về trồng và thâm canh khóm. Nếu như, năng suất khóm Tân Phước đạt bình quân từ 18 - 20 tấn/ ha thì khóm nhà ông đạt năng suất gấp rưỡi trở lên.

Ông cũng là người đi đầu trong việc ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh khóm như: trồng theo tiêu chí VietGAP, cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng nấm Trichoderma xử lý đất trồng khóm... đã giúp nâng độ phì nhiêu của đất canh tác, kéo dài tuổi thọ của cây khóm, nâng chất lượng trái khi thu hoạch... Ông được công nhận là kiện tướng trồng khóm của tỉnh Tiền Giang nhiều năm liền.

Sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại đời sống vật chất ổn định, ngày một khấm khá lên là hạnh phúc của người nông dân năng động. Thế nhưng, ông còn có niềm hạnh phúc lớn hơn gấp bội, đó là chăm lo chu toàn cho việc học hành đến nơi đến chốn và sự thành đạt của 4 người con: Bùi Thị Phương Dung sinh năm 1979, Bùi Công Duy Danh sinh năm 1981, Bùi Thị Mỹ Dung sinh năm 1984, Bùi Công Tấn Trạng sinh năm 1988 đều học giỏi và thành đạt.

Hiện  cô con gái đầu lòng tốt nghiệp Đại học ngành ngoại ngữ, hai đứa con giữa tốt nghiệp Đại học Kinh tế và đều tìm được việc làm ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Con út tốt nghiệp trung cấp và đang công tác tại huyện Tân Phước. Ông Bùi Công Thành tự hào: “Đó là gia tài lớn nhất của tôi”.

Dù đã 60 tuổi, da sạm nắng Đồng Tháp Mười, nhưng với bản tính siêng năng lao động, ông Bùi Công Thành không cho mình được nghỉ ngơi dù con cái đều thành đạt. Mỗi sáng sớm, hay khi chiều tà, mọi người đều thấy ông cặm cụi bên những liếp khóm hay cùng bà con trong xóm, ấp trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi dạy con cái với tất cả tâm huyết.

Gồng lưng “gánh chữ” cho con, miệt mài “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” để kết nối những nấc thang cho con cái mạnh bước trên đường sự nghiệp, ông Bùi Công Thành đạt được ước nguyện lớn lao nhất của đời người, xứng đáng là ông chủ mẫu mực của một gia đình nông dân sản xuất giỏi.

M. TRÍ

.
.
.