Thứ Ba, 17/09/2013, 05:51 (GMT+7)
.

Cần tiếp tục duy trì kết quả bước đầu phòng, chống dịch "chổi rồng"

Chúng tôi trở lại vùng chuyên canh nhãn phía Nam Quốc lộ 1A của huyện Châu Thành trong những ngày tháng 9, trên các vườn nhãn tơi tả do bệnh “chổi rồng” hoành hành ngày nào giờ đã xanh mướt trở lại.

Anh Phạm Văn Tâm (Trạm Bảo vệ Thực vật huyện) cho biết, cách nay hơn một năm, dịch bệnh “chổi rồng” làm cho các vườn nhãn nơi đây xơ xác, tỷ lệ nhiễm từ 30 - 70%, có nơi gần 100%, gây thất thu cho nhà vườn. Xót ruột, các chủ vườn mạnh ai nấy cắt tỉa, phun xịt thuốc nhưng rồi bệnh vẫn tái nhiễm. Từ khi tỉnh, huyện phát động phong trào dập dịch, hướng dẫn quy trình và hỗ trợ thuốc dập dịch, người dân áp dụng theo quy trình, tăng cường chăm sóc… cây nhãn bắt đầu phục hồi lại nhanh, nhà vườn  rất phấn khởi.

Anh Phạm Văn Tâm, cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện tham quan vườn nhãn sắp thu hoạch của chị Nguyễn Thị Thu, ấp Trung B, xã Nhị Bình.
Anh Phạm Văn Tâm, cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện tham quan vườn nhãn sắp thu hoạch của chị Nguyễn Thị Thu, ấp Trung B, xã Nhị Bình.

Tiếp chúng tôi tại vườn, ông Hồ Văn Lâu, ấp Bình, xã Dưỡng Điềm cho biết: “2 công nhãn của tôi bị bệnh “chổi rồng” bùng phát từ năm 2011 và mạnh nhất là năm 2012 với tỷ lệ bệnh trên 70%, thu hoạch không được bao nhiêu. Từ khi được ngành chức năng hỗ trợ thuốc, hướng dẫn quy trình dập dịch “chổi rồng” thông qua tập huấn, phát tờ rơi, chúng tôi áp dụng theo, vườn nhãn phục hồi lại khá tốt”.

Cụ thể, vụ đầu tiên từ khi cắt tỉa, phun thuốc theo quy trình dập dịch, tỷ lệ tái nhiễm bệnh của vườn từ 10-15%, vườn cho thu hoạch được 2,2 tấn, bán được 34 triệu đồng. Hiện nay, vườn của ông đang ra bông chuẩn bị cho trái lần 2. Tỷ lệ nhiễm hiện nay giảm xuống còn khoảng 3-5%. Theo ông, từ nay đến khi thu hoạch, vườn nhãn của ông còn một đợt phun thuốc nữa để phòng tái nhiễm, khi đọt già đi là an toàn.

“Trước đây, mỗi người trị bệnh “chổi rồng” theo một kiểu nên tái nhiễm cao. Được cán bộ kỹ thuật tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn nên người dân dần dần tin tưởng và làm theo nên đạt kết quả tốt. Giờ tôi có thể chắc chắn rằng, những hộ nào dập dịch đúng quy trình; chăm sóc, bón phân cân đối, nhãn phục hồi rất nhanh, tỷ lệ tái nhiễm rất thấp.

Chỉ những hộ bỏ bê không chăm sóc, áp dụng không triệt để quy trình thì tỷ lệ tái nhiễm mới cao. Bây giờ, chúng tôi không còn sợ bệnh “chổi rồng” nữa. Bệnh “chổi rồng” không sợ không trị được mà chỉ sợ nhà vườn không làm theo hay làm không đúng thôi”- ông Lâu nói.

Không riêng gì vườn nhãn của ông Lâu, các vườn nhãn khác trong khu vực cũng đang phục hồi rất nhanh. Thật vậy, đi trên những tuyến đường dal ở xã Dưỡng Điềm và xã Nhị Bình, dọc 2 bên những vườn nhãn lâu năm, rợp bóng của những tán cây nhãn sum suê, xanh mượt, bông chia ra tua tủa, một số vườn cho trái trĩu cành trải dài khắp nơi. Tất nhiên, thỉnh thoảng đâu đó trong vườn vẫn còn một vài đọt bị xoắn lại nhưng tỷ lệ rất thấp.

Chị Nguyễn Thị Thu, ấp Trung B, xã Nhị Bình cho biết, gia đình có 50 gốc nhãn. Cũng như các vườn nhãn trong xã, vườn nhãn của chị cũng bị bệnh “chổi rồng” tấn công mạnh từ năm 2011. Sau khi áp dụng quy trình dập dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng đưa ra, nhãn đã được phục hồi.

Hiện tại, vườn đang cho trái sắp đến thời điểm thu hoạch. Chị Thu cho biết, trước khi có quy trình dập dịch, chị cũng tiến hành cắt tỉa, lặt chồi, phun thuốc nhưng không hiệu quả. Khi áp dụng theo quy trình của ngành chức năng đưa ra, cây phục hồi nhanh, tỷ lệ tái nhiễm giảm dần qua từng vụ.

Chị Thu nói: “Được Nhà nước hỗ trợ thuốc, tập huấn cách làm nên chúng tôi làm tích cực lắm. Nhờ vậy mà bệnh giảm rất nhanh. Vụ rồi tỷ lệ nhiễm còn 10%, vụ này thấp hơn rất nhiều. Ước tính vụ này thu hoạch trên 1 tấn trái. Với mức giá hiện nay 12.000 đồng/kg ước thu vào cũng trên 12 triệu đồng. Vụ trước đây vườn nhà tôi cũng thu hoạch trên 1 tấn. Năm nay, những ai làm đúng quy trình, nhãn chắc chắn sẽ phục hồi, năng suất sẽ đạt khá, gặp giá tốt thế này, nhà vườn trồng nhãn sẽ
rất phấn khởi”.

Tuy nhiên, theo một số cán bộ kỹ thuật và nông dân, nhà vườn chăm sóc kỹ, dập dịch đúng quy trình chỉ là điều kiện cần, vấn đề không kém phần quan trọng là phải làm đồng loạt thì mới hiệu quả. Kỹ sư Trần Hữu Hiền, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết, toàn huyện có 1.280 ha trồng nhãn, trong đó 180 ha nhãn xuồng, nhãn long không bị nhiễm, trên 1.000 ha nhãn còn lại bị nhiễm bệnh “chổi rồng” từ 30-70%.

Triển khai công tác dập dịch, bên cạnh phát động đợt ra quân dập dịch, tập huấn, hướng dẫn quy trình dập dịch cho hộ dân, cấp phát thuốc cho dân phun xịt, các ngành chức năng còn thực hiện các mô hình trình diễn để cho mọi người thấy và làm theo. Tính từ năm 2012 đến nay, ngành đã triển khai 8 mô hình (mỗi năm 4 mô hình).

Tuy nhiên, do người dân dập dịch, xử lý không đồng loạt (vì cây ở nhiều giai đoạn), vụ đầu tiên sau khi áp dụng quy trình dập dịch, tỷ lệ nhiễm vẫn còn cao, khoảng 10 - 15%. Song đến năm 2013, do thời tiết làm cho những cây nhãn ra chồi đồng loạt vào đầu mùa mưa (dù cắt tỉa trước hay sau trong mùa khô đều ra đọt đồng loạt vào đầu mùa mưa), từ đó người dân áp dụng các công đoạn xử lý tiếp theo một cách đồng loạt nên tỷ lệ nhãn bị tái nhiễm “chổi rồng” trên địa bàn rất thấp (dưới 10%).

Dù vậy, toàn huyện còn 30 ha nhãn có tỷ lệ nhiễm 15%, xuất hiện rải rác ở các xã có diện tích trồng nhỏ lẻ, người dân không quan tâm chăm sóc, không áp dụng triệt để quy trình như Thân Cửu Nghĩa, Long An, Thạnh Phú, Bình Đức.

Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 800 ha đang ở giai đoạn mang trái, 200 ha trong giai đoạn ra hoa, còn lại 100 ha ở giai đoạn thu hoạch, 180 ha đang xử lý ra hoa với tỷ lệ đạt từ 70-80%.

“Qua kinh nghiệm dập dịch thời gian qua, tôi thấy rằng, sau khi thu hoạch xong, thời điểm cắt tỉa hiệu quả nhất là vào đầu mùa mưa. Bởi khi đó hệ thống rễ cây hấp thu tốt dinh dưỡng từ đất, cây được tăng cường sức đề kháng. Khi nhãn ra đọt, sẽ tiến hành phun xịt thuốc đồng loạt trên diện rộng.

Cũng cần lưu ý, khi xử lý nên tuân thủ triệt để quy trình, áp dụng đồng loạt trên diện rộng thì mới hiệu quả. Thời gian tới, những vườn thu hoạch xong, ngành sẽ tiến hành tuyên truyền cho người dân tỉa những chồi tái nhiễm; khuyến cáo áp dụng các biện pháp xử lý bệnh vào đầu mùa mưa; tiếp tục tập huấn phương pháp phòng trị, dập dịch và yêu cầu phải xử lý đồng loạt cho toàn khu vực để diệt trừ mầm bệnh; áp dụng đúng quy trình dập dịch; mua thuốc phun xịt thêm…”- Kỹ sư Hiền khuyến cáo. 

N.VĂN

.
.
.