CLB Khuyến nông xã Phú Mỹ: Người bạn thân thiết của nhà nông
Trong những năm gần đây, nhờ vào công tác khuyến nông được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, nông nghiệp, nông thôn Tiền Giang đã có bước thay đổi hết sức cơ bản và cuộc sống nông dân được cải thiện rõ rệt nhờ hiệu quả mang lại trong quá trình sản xuất. Chính nhịp cầu khuyến nông đã góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới nông thôn vùng sâu, vùng xa mà địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước là một nơi như thế.
Công tác khuyến nông đem đến vụ mùa bội thu cho nông dân xã Phú Mỹ. |
Theo ông Lê Văn Điểu, khuyến nông viên kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông xã Phú Mỹ, toàn xã có diện tích tự nhiên 1.340 ha, trong đó đất trồng lúa 520 ha; đất vườn, rẫy 111 ha; đất trồng khóm 200 ha, trồng khoai mỡ 68 ha; đất nuôi trồng thủy sản 17,2 ha. Ngoài trồng trọt thì chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng khá phát triển, hàng năm mang lại cho nông dân một nguồn thu nhập đáng kể.
Trước năm 1980, nơi đây có nhiều khó khăn bởi nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, nhiễm phèn nặng, vừa chịu ảnh hưởng lũ lụt từ thượng nguồn tràn về gây hại hàng năm. Do điều kiện đặc thù như thế nên ngoài khu vực chợ Phú Mỹ khá sung túc bởi địa bàn giao thương, trung chuyển của toàn vùng thì còn lại đất đai đa phần hoang hóa, nhiều nơi không thấy bóng người lai vãng, có chăng bà con tùy theo mùa vào đây khai thác nguồn lợi tự nhiên: bàng, cá, thủy sản... để mưu sinh.
Từ khi Chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười được đẩy mạnh, diện mạo Phú Mỹ đã thay đổi một cách nhanh chóng. Tiềm năng đất đai Phú Mỹ được đánh thức để trồng lúa, khoai mỡ, khóm và các loại cây trồng thích hợp có giá trị kinh tế cao khác. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp để bà con sản xuất thành công trong việc chinh phục vùng đất khó, Phú Mỹ đã sớm thành lập CLB khuyến nông thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Ông Lê Văn Điểu cho biết, CLB Khuyến nông xã Phú Mỹ được thành lập vào năm 1994 với 25 hội viên, hiện nay tăng lên hàng trăm hội viên. Đây là cầu nối tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nông dân để cùng áp dụng hiệu quả trong quá trình thâm canh cây trồng, vật nuôi. CLB sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 1 lần.
Nội dung sinh hoạt thiết thực, cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tế của nông dân trong quá trình sản xuất như: Hướng dẫn cách phòng trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật thâm canh; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất đưa đến hiệu quả kinh tế cao... Tài liệu, nội dung sinh hoạt có sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện.
Một số kết quả cụ thể ghi nhận được trong quá trình gần 20 năm trưởng thành của CLB thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: Trồng lúa, trồng màu, trồng khóm xuất khẩu, chăn nuôi...Về cây lúa, bà con đã biết đoạn tuyệt với tập quán canh tác cũ, thay vào đó áp dụng phổ biến quy trình sản xuất tiên tiến “ba giảm, ba tăng”, IPM, FPR...
Nếu trước đây nông dân gieo sạ 20 kg giống trên 1.000 m2 đất, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu tràn lan...tốn nhiều chi phí, lúa bị đổ ngã, năng suất không đảm bảo thì ngày nay bà con đã biết sạ hàng, sạ thưa, bón phân cân đối... Ngoài ra, còn biết sản xuất lúa giống xác nhận cung ứng theo nhu cầu của Trung tâm Giống Nông nghiệp Tiền Giang. Trung bình mỗi vụ, qua hợp đồng với trung tâm, nông dân Phú Mỹ cung ứng từ 10 -15 tấn lúa giống xác nhận các loại.
Cây màu cũng đạt được những kết quả nổi bật. Qua những lần tập huấn, hội thảo và thông qua các điểm trình diễn giúp nông dân so sánh, học tập, mạnh dạn đổi mới quá trình canh tác. Nhờ vậy, nông dân Phú Mỹ sử dụng khá phổ biến màng phủ nông nghiệp, dùng giống lai F1, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. 2 lúa + 1 màu, đưa dưa hấu xuống chân ruộng.. đang là những mô hình hay được nông dân áp dụng rất thành công.
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, CLB Khuyến nông xã Phú Mỹ đã khuyến khích nông dân tiêm phòng dịch bệnh, áp dụng các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh gà vịt, đàn heo, biết chọn giống tốt, kết hợp chăn nuôi với làm hầm khí sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất... Ước tính, trên toàn địa bàn xã Phú Mỹ có khoảng 40 hầm ủ khí sinh học.
Ngày nay, thật khó nói đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững nếu không đề cập đến vai trò khuyến nông. Thực tế cho thấy, những nơi nào làm tốt công tác khuyến nông, nơi ấy xuất hiện nhiều nông dân giỏi, hiệu quả sản xuất nâng lên, nông nghiệp - nông thôn đổi mới. Đây cũng là lộ trình nhằm xác lập nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản thời kỳ hội nhập và đổi mới.
Đối chiếu với những thay đổi mạnh mẽ của vùng đất khó Phú Mỹ sau hơn hai mươi năm tiến công chinh phục Đồng Tháp Mười cho thấy vai trò lớn lao của CLB Khuyến nông xã Phú Mỹ trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới như một chiếc cần câu để hội viên ngày càng câu được nhiều con cá to, chất lượng ngon và giá trị kinh tế cao - đó là bài học giúp nông dân làm giàu thiết thực từ CLB Khuyến nông xã Phú Mỹ.
MỘNG TUYẾT