Hiệu quả từ các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ra đời với mục tiêu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang thực sự phát huy hiệu quả. Chương trình dần tạo được cầu nối để doanh nghiệp không chỉ tiếp cận với người tiêu dùng nông thôn mà còn mở rộng thị trường ở những vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện theo tinh thần Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động vào tháng 8-2009, Sở Công thương đã thực hiện Chương trình “Khuyến mại và tiêu dùng hàng Việt Nam”; “Hàng Việt về nông thôn”. Thông qua các chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn.
Từ cuối năm 2009 đến tháng 1-2011, Sở Công thương đã tổ chức thực hiện 4 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Theo thống kê của Sở Công thương, doanh thu của 4 đợt bán hàng đạt khoảng 4,4 tỷ đồng và đã thu hút đông đảo nhân dân quan tâm mua sắm.
Người dân hào hứng mua sắm tại một phiên chợ hàng Việt về xã Phú Đông (Tân Phú Đông). |
Tiếp tục phát huy hiệu quả của các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, trong 2 năm 2011 và 2012, Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch đã tổ chức 14 lượt mở điểm bán hàng Việt ở nông thôn và 3 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại 10 huyện, thị, thành của tỉnh thu hút 72.500 lượt người tham quan, mua sắm và tổng doanh thu đạt 3,1 tỷ đồng.
Riêng 9 tháng qua, Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch đã tổ chức 6 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với doanh thu đạt 4,1 tỷ đồng, thu hút 66.300 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tự tổ chức bán hàng lưu động được Sở Công thương chấp nhận và thực hiện từ đầu năm 2013 đến nay, doanh thu đạt 3,1 tỷ đồng, thu hút 29.450 lượt khách tham quan, mua sắm.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, chính các chương trình, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã để lại dấu ấn hàng Việt và tạo hiệu ứng góp phần làm thay đổi xu hướng mua sắm hàng Việt ngày càng nhiều hơn ở người tiêu dùng. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng Việt tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp xúc với tiểu thương, người tiêu dùng, hiểu rõ hơn về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Quan trọng hơn hết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được nhân dân hưởng ứng tích cực thể hiện qua việc đông đảo bà con tham gia mua hàng và các hoạt động khác của các chương trình bán hàng Việt ở các vùng nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Bé Năm, một người tiêu dùng ở xã Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo), nơi đã từng có nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức, cho rằng: Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận, mua sắm hàng Việt dễ dàng hơn.
Từ đó tạo cho họ niềm tin hơn đối với hàng Việt và không ít gia đình ở nông thôn bây giờ chủ yếu sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cần được tổ chức quy mô, thường xuyên và cải tiến hơn. Đây được xem là điều kiện để doanh nghiệp và người dân nông thôn cùng đồng hành hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Về phía doanh nghiệp, ông Võ Chí Thành, chủ doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Dịch vụ Thành Phát (TP. Mỹ Tho), một đơn vị thường xuyên tham gia các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, trong thời gian qua, cho biết: Khi tham gia các phiên chợ hàng Việt ở nông thôn doanh nghiệp đều không đặt nặng vấn đề doanh thu mà xem đây là dịp góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng kết quả lại không ngờ là gần bốn năm qua, thương hiệu của doanh nghiệp đã được nhận biết ở nhiều vùng sâu, vùng xa; hệ thống đại lý cũng được mở nhiều hơn, đến tận các chợ xã.
Còn bà Phan Kim Hoàn, chủ cơ sở sản xuất nước rửa chén 9 Rồng (Vĩnh Long), một đơn vị từng tham gia bán hàng tại Phiên chợ hàng Việt về xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) cho rằng, nếu quảng cáo trên các kênh thông tin đại chúng thì đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn mà các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không thể thực hiện được. Do đó, tham gia các phiên chợ bán hàng ở nông thôn là cơ hội tốt nhất để các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường và đối tác để mở đại lý.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, đưa hàng Việt về nông thôn là một chương trình hay đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong xu hướng tiêu dùng hàng Việt ngày càng nhiều hơn ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, để chương trình tiếp tục duy trì và đồng hành cùng người dân ở nông thôn thì cần phải có những hoạt động xúc tiến lớn, một chiến lược và sự hỗ trợ lâu dài từ phía Nhà nước nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đưa hàng Việt về nông thôn nhiều hơn.
PHƯƠNG NGHI