Thứ Ba, 24/09/2013, 10:47 (GMT+7)
.

Hội thảo "Nhìn lại nửa chặng đường phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015..."

Sáng 23-9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

Trong gần 2 năm qua, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam bước đầu ổn định, lạm phát, nhập siêu thấp, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng đáng kể...

Tuy nhiên, kết quả ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đòi hỏi nền tảng vững chắc hơn, các cân đối lớn chưa bền vững… Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì ở Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 có khả năng không thực hiện được.

Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược” - Ảnh: PC
Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Ảnh: PC

Nhận thức sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế, Đảng và Chính phủ đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền kinh tế năng động, hiện đại và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng các ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu tại Hội thảo sẽ phân tích sâu sắc hơn những khó khăn hiện tại, những nguy cơ và xu thế trong tương lai đối với nền kinh tế Việt Nam. Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu sẽ giúp Chính phủ có quyết sách mạnh mẽ hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, chung sức đồng lòng, chắc chắn sẽ vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước từ sau đổi mới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu quan tâm thảo luận như: Tại sao nền kinh tế Việt Nam ra khỏi khủng hoảng chậm hơn các nước trong khu vực? Những điểm nào trong mô hình kinh tế của nước ta tỏ ra không phù hợp với môi trường kinh tế quốc tế hiện nay? Liệu có cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, hệ thống khuyến khích mới để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động, hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế hay vẫn giữ nguyên như hiện nay và chỉ cần chỉnh sửa một vài chỗ? Cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay và những khó khăn kinh tế trong nước có đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ về chính sách ngành hay không?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu đánh giá việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Trung ương 3, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân chủ quan, khách quan.

Phó Thủ tướng lưu ý các đại biểu thảo luận một số vấn đề lớn như: Kinh nghiệm phân cấp kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy những bài học gì, mức độ phù hợp đến đâu? Vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và duy trì ổn định xã hội. Hiệu quả của mô hình nông thôn mới; gắn mô hình này với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp? Quy mô kinh tế Nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước cần thiết đến mức nào?

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định: Với sự nỗ lực của toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nước ta đã đạt những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với những khó khăn thách thức đan xen, nền kinh tế nước ta đang phải ứng phó với nhiều vấn đề cần giải quyết như:

Không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và tài chính, suy thoái kinh tế thế giới càng bộc lộ rõ. Kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật bền vững, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra dự kiến không đạt kế hoạch, nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực. Các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa môi trường còn nhiều bất cập, một số vấn đề còn nhiều hạn chế.

Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu; việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế.

Năm 2013 là năm thứ ba cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Những kết quả đã đạt được cho đến thời điểm hiện nay, cho phép xác định mục tiêu tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trên có sở đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong 2 năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2015.

Tại buổi tọa đàm, các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế, các GS, PGS, TSKH của một số trường đại học, các cơ quan nghiên cứu đã phân tích bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội; đánh giá các kết quả đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội, cũng như theo mục tiêu điều chỉnh tại Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 59/2011/QH12 của Quốc hội khóa XII và Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ; các hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cần thiết trong lãnh đạo, chỉ đạo...

Qua phân tích, các đại biểu đề xuất, kiến nghị đưa ra các biện pháp đối với chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm mục tiêu phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trọng khoảng 31-32% GDP trong 2 năm tới cũng như tăng cường huy động các nguồn lực và sự đồng thuận của toàn xã hội để phục hồi nền kinh tế.

Đưa ra những vấn đề, giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn cho xây dựng kết cấu hạ tầng và chính sách để đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những biện pháp để huy động nguồn lực thực hỗ trợ cho tái cơ cấu nền kinh tế; chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai quyết liệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Đề án tái cơ cấu 3 lĩnh vực...

Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu nguyên là lãnh đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các nhà nghiên cứu lâu năm kinh tế về chủ đề trên. Những ý kiến trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học, quản lý tại hội thảo này sẽ được Ban Tổ chức tập hợp, tiếp thu.

Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo với các cơ quan liên quan của Đảng, Nhà nước nhằm có được những quyết sách đúng đắn, phù hợp trong quá trình điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới...

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.