Thứ Tư, 25/09/2013, 08:34 (GMT+7)
.

Liên kết hoạt động du lịch: “4 địa phương, 1 điểm đến”

Việc liên kết hoạt động du lịch giữa 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh nhằm tạo điều kiện phát huy thế mạnh, xây dựng sản phẩm đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa; phát triển các sản phẩm liên kết, khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất của từng địa phương. Ngoài ra, mỗi tỉnh cần phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế để tạo thêm sức mạnh tổng hợp, đưa ngành Du lịch của 4 địa phương này  có cùng 1 điểm đến.

Tiềm năng chưa được phát huy

Các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh thuộc cụm duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các tỉnh này nằm ở hạ lưu sông Mekong và là cửa ngõ đón khách du lịch có 4 nhánh sông lớn nối liền nhau là: sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên thuận lợi phát triển tuyến du lịch đường thủy và lợi thế có 4 cầu lớn gồm: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Hàm Luông và cầu Cổ Chiên (trong tương lai) nối liền phát triển du lịch đường bộ.

Khách du lịch nước ngoài tham quan vườn cây ăn trái tại khu du lịch Thới Sơn.
Khách du lịch nước ngoài tham quan vườn cây ăn trái tại khu du lịch Thới Sơn.

Theo ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Bến Tre, tiềm năng du lịch nơi đây đa dạng và phong phú về cảnh quan thiên nhiên, cũng như tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương, với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử cách mạng. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh của cụm vẫn chưa  được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành Du lịch mỗi tỉnh cho nền kinh tế tỉnh nhà còn thấp.

“Nhìn lại hơn 10 năm qua, việc phát triển du lịch các tỉnh trong cụm bộc lộ nhiều hạn chế, còn bất cập trên nhiều phương diện như: cơ sở vật chất vừa mới đầu tư, quy mô nhỏ; sản phẩm du lịch chưa phong phú, còn đơn sơ; chất lượng sản phẩm thấp, nguồn nhân lực còn yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Đặc biệt, việc quảng bá ra nước ngoài chưa thực hiện” - ông Phương cho biết.

Cho đến nay, chúng ta phải nhìn nhận rằng, hiệu quả du lịch của cụm còn thấp. Trong năm 2012, cụm chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách nội địa so với 17,8 triệu lượt khách nội địa vùng ĐBSCL và chỉ khoảng 1,1 triệu lượt khách quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân chính là chưa tạo được sự liên kết, mạnh ai nấy làm. Điểm dễ nhận thấy là các công ty du lịch ở đây chỉ mới tập trung vào các nội dung tham quan, chưa tạo điều kiện tốt cho các hoạt động tiếp cận văn hóa của du khách, chưa thực sự tiếp cận và hòa nhập vào đời sống của cư dân địa phương, cũng như các dịch vụ khác.

Còn ông Lưu Hoàng Minh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long thì cho rằng: Chương trình phục vụ du khách gần đây tuy đã có được sự đầu tư, chăm chút nhưng vẫn trùng lắp, dễ gây nhàm chán nên thời gian giữ du khách ở lại phổ biến là 1 ngày đêm chứ không hơn…

Để 4 địa phương thành 1 điểm đến

Việc liên kết hoạt động du lịch giữa 4 tỉnh sẽ tạo điều kiện để mỗi địa phương phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế của từng tỉnh; học tập, trao đổi kinh nghiệm; phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch; nối dài tuyến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ đó, ngành Du lịch 4 tỉnh mới tạo thêm sức mạnh tổng hợp đưa ngành Du lịch của cụm nói chung và mỗi tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Để làm được điều này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bến Tre đề xuất: Cần tập trung vào việc quản lý nhà nước, xúc tiến kêu gọi đầu tư, quảng bá du lịch, liên kết nối tuyến, nối tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.

Du lịch sinh thái - thế mạnh của các tỉnh thuộc cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL. Ảnh:  Huỳnh Ngọt
Du lịch sinh thái - thế mạnh của các tỉnh thuộc cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Ngọt

Còn theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Tiền Giang, 4 tỉnh cần thống nhất chương trình hợp tác phát triển du lịch; các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần trao đổi, thảo luận sâu để cùng xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch; các trung tâm phải tiến hành khảo sát, lấy ý kiến các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn của 4 tỉnh để làm căn cứ đáp ứng nhu cầu của các đơn vị này; thành lập tiểu ban xúc tiến quảng bá du lịch của 4 tỉnh để phục vụ cho việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…

“4 tỉnh cần tập trung kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ 53, 54, 60, sớm hoàn thành cầu Cổ Chiên và mở rộng quy mô hoạt động cụm phà Cầu Quan - Đại Ngãi” - Đó là ý kiến của ông Phan Hoàng Linh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Trà Vinh.

Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 đã phân vùng khu vực này thành 4 cụm du lịch: Cụm Đồng Tháp Mười, Cụm duyên hải phía Đông, Cụm trung tâm và Cụm bán đảo Cà Mau. Trong đó, 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh thuộc Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL.

Để có sản phẩm du lịch cụ thể phải có sự đầu tư, hàm lượng chất xám kết tinh vào sản phẩm, phải có sự tham gia tích cực mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp và người làm dịch vụ du lịch để tạo ra sản phẩm cụ thể liên kết thị trường, đảm bảo chia sẻ lợi ích, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị của ngành du lịch địa phương.

Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long, với cơ hội đang rộng mở và những khó khăn, thách thức, việc liên kết  các tỉnh trong cụm và khu vực để cùng phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu.

Cần thiết kết hợp đồng thời chương trình tiếp thị “4 địa phương, 1 điểm đến” với các hoạt động xúc tiến du lịch và liên kết tour của 4 tỉnh trong cụm. Trong hoạt động truyền thông, quảng bá cần tiến hành xây dựng phim tư liệu và các tài liệu tuyên truyền chung cho 4 tỉnh, trong đó nhấn mạnh thế mạnh riêng.

Trong quá trình tham gia các triển lãm du lịch, nên có gian hàng triển lãm chung cho 4 tỉnh với hình thức thể hiện như các phim tư liệu và tài liệu tuyên truyền nhằm tạo nét riêng, ấn tượng cho cụm, tăng cường hiệu quả truyền thông cho chương trình tiếp thị “4 địa phương, 1 điểm đến”.

Để hình thành được mối liên kết vùng bền vững, 4 tỉnh phải giải được bài toán khó: Tránh sự trùng lắp, đơn điệu sản phẩm du lịch; phân chia hợp lý trên “miếng bánh” lợi nhuận, tránh tình trạng giẫm chân, cạnh tranh không lành mạnh; xây dựng sản phẩm mang được chất tinh túy, “hồn cốt” của đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Mekong; tôn vinh giá trị tinh thần, những di sản văn hóa phi vật thể, nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo của các chương trình tour du lịch.

SĨ NGUYÊN

.
.
.