Thứ Tư, 18/09/2013, 08:48 (GMT+7)
.

Thấy gì khi nông dân lấp ao ương cá tra giống để trồng lúa

Chị Ba, cư ngụ tại ấp II (Thạnh Lộc, Cai Lậy) thở dài, nói: “ Sau một thời gian suy nghĩ, đắn đo lợi hại, cuối cùng tôi đã phải đứt ruột bỏ ra 20 triệu đồng thuê cơ giới san lấp 4.000 m2 (4 công đất) ao ương cá tra giống để tái trồng lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tới”.

Còn nhớ cách đây hơn một năm, chị là một trong những nông dân chân chất vùng thuần nông Thạnh Lộc chạy theo phong trào đào ao ương (nuôi) cá tra giống. “Lúc đó thấy người ta nuôi lời ham lắm, tôi quyết định đào chuyển 4 công đất trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ thành ao ương cá tra giống”- chị nói.

Chỉ riêng tiền thuê cơ giới đào ao đã gần 50 triệu đồng.Tuy nhiên, “trời không chiều lòng người”, trên 4 công đất ao cá chỉ ương được vỏn vẹn có 4 đợt. Hai đợt đầu sau một tháng ương cá giống chết ráo, mất vốn nói chi lời. Hai vụ nuôi kế tiếp chỉ có một vụ lãi được khoảng 30 triệu đồng, còn vụ cuối cùng lỗ đứt vốn. Chưa kể, chị còn bị thương lái mua cá “giựt nợ” hơn 20 triệu đồng. Tính r

a, qua 4 vụ “thử sức” với nghề ương cá tra giống hết sức mới mẻ và lạ lẫm đối với nông dân như chị Ba, gia đình chị đã lỗ gần 240 triệu đồng. “Chịu hết xiết rồi, nếu kéo dài thêm vài vụ nữa chắc tôi phải bán cả gia sản quá chú ơi!”- Chị than. Cuối cùng, chuyển dịch từ lúa sang nuôi cá tra giống không xong, chị phải trở lại làm lúa thôi.

Nông dân ấp 2, xã Thạnh Lộc san lấp ao cá để tái trồng lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014.
Nông dân ấp 2, xã Thạnh Lộc san lấp ao cá để tái trồng lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014.

Ở Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc - những xã ven Đồng Tháp Mười thuần nông của huyện Cai Lậy, trong hai năm vừa qua xôn xao, “ồn ào” chuyện chuyển dịch từ lúa sang ương cá tra giống bất chấp cảnh báo, ngăn chặn quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã.

Bà con bất chấp cảnh báo bởi đang ôm ấp “giấc mộng lớn” làm giàu từ con cá tra giống. Những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011 lợi nhuận từ cá tra giống rất hấp dẫn. Nông dân có thể thu lãi nửa tỷ đồng/ ha/ năm nên ai chẳng ham. Nhưng lợi nhuận ấy không bền.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nghề nuôi cá tra xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long hết sức bấp bênh, kéo theo con cá tra giống cũng tiềm ẩn những rủi ro không lường trước được về đầu ra, sức tiêu thụ, thị trường và giá cả. Nhưng lợi nhuận tức thời “che mắt” bà con.

Hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp “nái” chỉ trong một thời gian ngắn bị chuyển thành ao mương ương cá. Những ngày đó, trên đồng đất Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc tiếng máy móc, cơ giới thi công chạy ầm ầm, khói phun mù mịt náo động cả một vùng quê vốn yên bình, tĩnh lặng lâu nay.

Một năm sau (tháng 9-2013), tại đây, 10 người ương cá tra giống thì hết 9 người “méo mặt” vì thua lỗ. Rất nhiều người lâm vào cảnh dở khóc, dở cười như thế bởi giá cá tra tụt dốc không phanh và không tiêu thụ được. Có người lưu cá giống trong ao 8, 9 tháng trời nhưng không bán được con nào trong lúc phải chịu lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mở mang ngành nghề nông thôn, phá thế độc canh cây lúa là một chủ trương lớn được Nhà nước khuyến khích nhằm giúp nông dân có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình.

Tuy nhiên, chuyển dịch phải có cơ sở khoa học, có kế hoạch và khả thi. Thực chất phong trào chuyển dịch ào ạt từ trồng lúa sang đào ao ương cá tra giống một cách tự phát ở các xã vùng Đồng Tháp Mười của huyện Cai lậy thời gian qua không khác chi “đánh cược” cùng cơ chế thị trường. Hậu quả tất yếu thất bại và nông dân lãnh đủ.

Ông Phạm Công Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết, hiện nay đã có trên 10 ha trong tổng số khoảng 70 ha đất ao ương cá tra giống trên địa bàn xã đã được nông dân chuyển đổi trở lại để sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2013 - 2014. Trong những ngày tới, diện tích tái chuyển đổi như thế chắc chắn sẽ tăng nhanh. Việc san lấp ao cá, trả lại mặt bằng đồng ruộng để trồng lúa như trước đang được xã khuyến khích, trước mắt vận động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để làm gương và tạo phong trào sâu rộng trong nhân dân.

“Không thể chuyển đổi sản xuất một cách tự phát, kiểu “đánh cược” để chuốc lấy thất bại thảm hại như thế này, cuối cùng từ chỗ khá, giàu, nông dân thành người “thất cơ lỡ vận” - Ông Phạm Công Trung kết luận. Có lẽ đó là bài học “đắng” mà không ít nông dân xã Thạnh Lộc, xã Mỹ Thành Bắc “đau đớn” học được trên con đường lập nghiệp thời kinh tế thị trường.

Mong rằng từ bài học nhãn tiền này bà con tránh đi vào vết xe đổ, không tiếp tục mắc phải những sai lầm không đáng trong tương lai.

MINH TRÍ

.
.
.