TPP và những cơ hội cho ngành Dệt may
Ông Lâm Thọ Hải, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho rằng, hiện các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng chỉ may gia công hoặc làm hàng FOB chứ chưa đủ khả năng làm theo các quy định mới của TPP. Nhưng trước sau gì cũng phải thực hiện theo xu hướng chung này.
Do vậy các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau, chứ riêng từng doanh nghiệp cũng rất khó thực hiện và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Riêng các tổng công ty cũng cần có những định hướng, hoạch định cho các công ty con hoạt động theo xu hướng chung.
Ông Hải cho biết, hiện nay khi nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài, chỉ riêng thời gian tàu chạy cũng mất ít nhất hơn nửa tháng, nên thời gian sản xuất ít. Nếu có nguyên phụ liệu trong nước, các doanh nghiệp dệt may sẽ đáp ứng được tiến độ giao hàng, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn nhờ chủ động được thời gian.
Dây chuyền may tại Công ty CP May Tiền Tiến. |
Khi có nguyên phụ liệu trong nước, rủi ro cho các doanh nghiệp sản xuất sẽ không có hoặc xảy ra ít hơn, do đôi khi vướng phải thủ tục xuất nhập hàng. Bởi thực tế sản xuất - kinh doanh cho thấy, chỉ cần trễ thời gian giao hàng 1 ngày thì đối tác có thể hủy cả lô hàng hoặc phạt trễ hợp đồng, với chi phí thiệt hại là không nhỏ, doanh nghiệp sẽ bị lỗ ngay.
Đồng thời, do không chủ động được nguyên liệu dẫn đến sản xuất gấp rút theo tiến độ giao hàng có thể dẫn đến những sai sót về chất lượng sản phẩm. Do đó, quyết định tham gia Hiệp định TPP là chính xác.
Nhưng trên thực tế, hiện nay đa số nguyên phụ liệu của ngành may được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên việc tham gia TPP cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, sợi. Ngành dệt may của Việt Nam đang phát triển nhanh, nên sẽ thu hút được doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam.
Theo quy định mới của TPP, tất cả các nguyên phụ liệu của ngành dệt may phải được sản xuất trong nước. Nhưng đối với nền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ có lộ trình cụ thể để áp dụng các quy định này. Muốn như vậy thì ngành dệt, sợi, nhuộm phải gom lại với nhau.
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định: “TPP sẽ tạo ra cú hích lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam, góp phần đưa dệt may Việt vươn lên tầm cao hơn trong tương lai gần”.
Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất 0%, các doanh nghiệp dệt may phải chấp nhận áp dụng nhiều quy định khắt khe mà công thức “từ sợi trở đi” với việc các khâu đoạn từ kéo sợi-dệt-nhuộm-hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên TPP. Chính điều này đã gây trở ngại cho dệt may Việt bởi phân khúc dệt-nhuộm-hoàn tất tại nước ta phát triển yếu, trở thành nút thắt cổ chai gây cản trở cho toàn ngành.
Hiện 70% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt-ráp-hoàn thiện), với 88% nguyên phụ liệu (chủ yếu là vải) phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn các nước này không nằm trong TPP. Bên cạnh đó, trang thiết bị, công nghệ không theo kịp các nước khác, gia công giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh đang bị các quốc gia mới nổi trong ngành dệt may lấn sân.
Ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương cho biết, TPP bao gồm 12 nước tham gia đàm phán và ký kết, gồm Mỹ, Canada, Peru, Chi lê, Nhật Bản, New Zealand…. 12 nước này có dân số khoảng 800 triệu người, chiếm 40% GDP và 1/3 giá trị thương mại của các nước trên thế giới. TPP là hiệp định thương mại tự do của các nước.
Khi ký kết và đi đến thực hiện, các doanh nghiệp nói chung và ngành may mặc nói riêng có những thách thức và cơ hội tồn tại song song, đan xen lẫn nhau. Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ vào các nước này, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và khả năng cung ứng cho các thị trường với ưu đãi về thuế từ giảm cho đến 0%.
Vì vậy doanh nghiệp có khả năng cơ cấu lại thị trường của mình và tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và của ngành may mặc nói riêng. Do áp lực cạnh tranh, với thuế suất giảm, các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý. Riêng về doanh nghiệp may phải tự thiết kế, sản xuất nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa mới được xuất khẩu vào các nước này.
Về thách thức, ngoài ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp phải đối mặt với các rào cản thương mại. Các nước chắc chắn sẽ tăng cường các hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường, lao động. Đây là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp nói chung và ngành may mặc nói riêng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn, khả năng đầu tư để đổi mới công nghệ và phải tự sản xuất nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu. Ngành may phải sản xuất được nguyên liệu từ khâu kéo sợi, đến dệt, nhuộm, may xuất khẩu.
Hiện nay nguyên liệu ngành may chủ yếu là vải chỉ chiếm 20-25% còn lại là nhập khẩu do đó ngành may phải đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trước mắt, Sở Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo để nêu ra những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp may nắm bắt để khi Hiệp định TPP được ký kết, thực hiện các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội và có những động thái tích cực để đầu tư theo chiều hướng của hiệp định chung...
KHÁNH LINH