TX. Gò Công: Khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch
Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng “Thương mại – Dịch vụ - Du lịch, công nghiệp và nông nghiệp” là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đang nỗ lực thực hiện. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2010 -2015 đã đề ra.
Lăng Hoàng Gia, một trong những điểm tham quan du lịch của thị xã. Ảnh: Thế Anh |
TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH
Phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác ở thị xã Gò Công. Nhiệm vụ phát triển du lịch còn gắn với mục tiêu cải thiện đời sống người dân, bảo vệ môi trường, giảm nghèo và tạo việc làm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã cho biết, thế mạnh để khai thác du lịch trước hết là vị trí địa lý của thị xã rất thuận lợi để khai thác tuyến du lịch, là cửa ngõ nối liền TP. Mỹ Tho với TP. Hồ Chí Minh qua phà Mỹ Lợi bởi tuyến Quốc lộ 50; đồng thời còn là giao điểm của 2 hướng ra Biển Đông. Một đến cảng cá Vàm Láng theo hướng đường tỉnh 871, hai là đến vùng du lịch biển Tân Thành theo hướng đường tỉnh 862.
Giao thông đường thủy có sông Vàm Cỏ nối liền kinh Chợ Gạo ra Sông Tiền và sông Soài Rạp ra Biển Đông, có tiềm năng du lịch sinh thái đường sông. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của thị xã ở hiện tại cũng như tương lai.
Cùng với đó, thị xã hiện đang quản lý nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá được bảo tồn, công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia: Lăng Hoàng gia - ngôi nhà thờ dòng họ Phạm Đăng với các cột sơn son thiếp vàng và khu mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, ông ngoại vua Tự Đức, phản ánh văn hóa mộ táng nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc truyền thống điêu luyện của nghệ nhân vùng đất Gò Công.
Lăng mộ và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định là nơi yên nghỉ, lưu giữ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp một thời oanh liệt của Anh hùng dân tộc Trương Định. Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Đốc Phủ Hải với những cổ vật, những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, toát lên sự tinh hoa, vương giả của một gia đình đốc phủ xưa.
Ngoài ra, trong lòng thị xã còn có Miếu Võ Tánh, Đình Trung, Dinh Tỉnh trưởng là các di tích cấp tỉnh, cùng nhiều nhà cổ với kiến trúc xưa độc đáo: nhà vườn, nhà kho, lẫm lúa... đã tạo nên một cảnh quan đặc biệt riêng có của thị xã Gò Công.
Thị xã cũng là nơi hội tụ của các làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, được ra đời vào đầu thế kỷ XIX, qua quá trình hình thành và phát triển đến nay đã trở thành làng nghề nổi tiếng. Với 186 cơ sở vừa sản xuất, vừa gia công, sản phẩm của làng nghề với họa tiết chạm trổ, cẩn, khảm xà cừ tinh xảo không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với đó là nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ như chiếu cói, đan thảm, sản xuất các món ăn đặc sản như mắm tôm chà - món ăn độc đáo cung đình xưa, sơ ri Gò Công - được xem là đặc sản của quê hương Gò Công.
Trên địa bàn thị xã hàng năm còn diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc như: Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Người Hoa cúng ông Quan Thánh, Lễ hội Kỳ Yên Đình Trung... thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài địa phương tham quan, cúng viếng.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên nhân văn còn thể hiện ở lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hình thành nên sản phẩm du lịch vô cùng phong phú như: Hò cấy, điệu lý con sáo Gò Công, đờn ca tài tử, cùng nhiều sản phẩm du lịch có giá trị khác.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG
Nghị quyết Đại hội VI Đảng bộ thị xã Gò Công đã nêu mục tiêu tổng quát: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, ổn định, tăng trưởng nhanh, bền vững theo cơ cấu kinh tế là “Thương mại - dịch vụ - du lịch, công nghiệp và nông nghiệp”.
Từ mục tiêu đó, những năm qua, được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, du lịch thị xã đã có chiều hướng phát triển, khởi sắc. Công tác xã hội hóa hệ thống các cơ sở lưu trú và ăn uống, các dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí ở thị xã như hồ bơi, sân tennis được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh, bước đầu giải quyết nhu cầu ăn nghỉ, thể thao, vui chơi, giải trí của khách du lịch.
Tăng cường thực hiện chương trình “Chỉnh trang đô thị”, thị xã tập trung khai thác các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh như: Quốc lộ 50, đường Trương Định nối dài, các tuyến đường nội thị được mở rộng, nâng cấp, xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước đồng bộ, các di tích được trùng tu… tạo bộ mặt khang trang, thuận lợi cho phát triển du lịch.
Theo đánh giá của các ngành chức năng và lãnh đạo UBND thị xã, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ngày càng tăng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, phương tiện giao thông, điểm buôn bán các sản vật biển đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo việc làm cho người lao động.
Thể hiện qua số lượng khách đến thị xã ngày càng tăng, nếu như năm 2010 lượng khách du lịch là 18.000 lượt người, doanh thu từ các dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận chuyển trên 110 tỷ đồng; thì đến năm 2012 là 18.850 lượt, doanh thu từ các dịch vụ trên 143 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2013 là trên 14.000 lượt khách.
Du lịch đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng, nếu như năm 2010 đạt 16 triệu đồng/năm thì đến năm 2012 là 23,9 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực 1 và tăng tỷ trọng khu vực 3.
Để “đánh thức” tiềm năng du lịch thị xã hướng đến mục tiêu đạt được ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội, thị xã định hướng phát triển thị trường gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa.
Đối với khách du lịch quốc tế tập trung liên kết các tour du lịch, tuyến du lịch từ TP. Hồ Chí Minh và TP. Mỹ Tho, khai thác các loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái tuyến đường sông và tham quan nhà cổ, vườn sơ ri; du lịch nghiên cứu văn hóa, lễ lội truyền thống, làng nghề, mua sắm các đặc sản địa phương...
Riêng khách nội địa sẽ tập trung khai thác các loại hình như: vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao để thư giãn, tái tạo sức lao động; du lịch văn hóa, lễ hội - tín ngưỡng; du lịch sinh thái; thương mại, du lịch công vụ kết hợp tham quan.
“Tập trung chú trọng củng cố, nâng chất hoạt động lữ hành, xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái gắn với văn hóa, lịch sử theo đề án của tỉnh: Tham quan Lăng Hoàng gia, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải, Nhà cổ, Lũy pháo Đài, biển Tân Thành, Cồn Ngang, Làng nghề tủ thờ, vùng tập trung nuôi chim yến, mắm tôm chà Gò Công, vườn sơ ri, Hợp tác xã rau sạch xã Long Hòa. Trước mắt thị xã sẽ thành lập Ban Chỉ đạo và gấp rút triển khai để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân về Đề án phát triển du lịch” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã cho biết.
THU TRÀ