Còn khá nhiều hạn chế do chủ quan trong thu hút đầu tư
Mặc dù đã có nhiều chính sách trong mời gọi, nhằm tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn Tiền Giang thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Trong giai đoạn 2010-2012 tỉnh chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 75 dự án với tổng vốn 20.693 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh cũng mới cấp giấy chứng nhận cho 2 dự án đầu tư trong KCN. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong kêu gọi đầu tư ?
Sản xuất bê tông trong KCN Mỹ Tho. |
Vừa qua, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã thực hiện một vòng khảo sát nhằm đánh giá tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn Tiền Giang và đã chỉ ra những hạn chế do chủ quan, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của tỉnh.
Quy hoạch - yếu tố đầu tiên
Thời gian qua, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành- lĩnh vực, nhưng hai loại quy hoạch này chưa xác định cụ thể vị trí dự án đầu tư. Quy hoạch xây dựng thì chỉ có ở một số khu vực đô thị. Quy hoạch sử dụng đất chỉ mới có ở cấp huyện, xã được phê duyệt, còn với cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được duyệt.
Một số vị trí dự án (cả những dự án thuộc danh mục mời gọi đầu tư) được xác định trong quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, nhưng do quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch sử dụng đất nên khi đối chiếu thì không phù hợp.
Việc điều chỉnh quy hoạch chung cho hai vùng công nghiệp khu vực đông nam Tân Phước và Gò Công thực hiện còn chậm, gây khó khăn cho các ngành, địa phương và nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu dự án.
Quy hoạch chung khu vực Gò Công đã được phê duyệt nhưng các sở, ngành chưa tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương bổ sung dự án vào quy hoạch ngành của Trung ương (dự án KCN Dịch vụ Dầu khí, dự án Nhà máy sản xuất ống thép, các dự án lọc hóa dầu, cảng…) nên khi xem xét dự án phải xin ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành Trung ương để đề xuất bổ sung quy hoạch, làm kéo dài thời gian giải quyết.
Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn cũng như đất bãi bồi ven sông, biển cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư liên quan đến các lĩnh vực này. Cụ thể như dự án đầu tư xây chợ Bình Đức ven sông Tiền đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, nhưng đến nay tỉnh chưa giao đất được; hiện dự án này đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư, kêu gọi đầu tư lại từ đầu, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến tâm huyết và lòng tin của nhà đầu tư.
Nhìn chung, chất lượng quy hoạch chưa cao, việc xây dựng các loại quy hoạch chưa đồng bộ, nội dung quy hoạch thiếu tính hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện, đã gây khó khăn cho việc xét duyệt các dự án đầu tư.
Một góc KCN Long Giang. |
Hạn chế trong công tác xúc tiến, mời gọi
Từ năm 2012, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch được thành lập, là cơ quan chủ trì tiếp xúc, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục hồ sơ cần thiết, phối hợp với Sở KH-ĐT tổ chức họp tổ liên ngành xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết các hồ sơ đầu tư.
Tuy nhiên, trong thực hiện trung tâm gặp khó do chỉ là một đơn vị sự nghiệp nên không thể trực tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính quy phạm pháp luật. Do đó, công tác phối hợp trong xúc tiến và giải quyết các thủ tục đầu tư gặp khó khăn, gây tâm lý không tốt cho nhà đầu tư. Hiện hoạt động của trung tâm chỉ dừng lại ở mức tiếp xúc, hỗ trợ nhà đầu tư, chưa chủ động mời gọi đầu tư do các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh chưa đủ điều kiện để kêu gọi đầu tư.
117 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2010 với tổng mức đầu tư 192.095 tỷ đồng, đến nay chỉ có 4 dự án đăng ký thực hiện và cấp giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 3,4% tổng số dự án mời gọi). Trong đó, chỉ có 2 dự án kêu gọi đầu tư thứ cấp vào KCN Tân Hương và KCN Long Giang là được thực hiện; còn 2 dự án ngoài KCN là nhà máy Điện trấu Tân Phước và Khu thương mại Thanh Bình (Chợ Gạo) đến nay vẫn chưa triển khai. |
Về vấn đề này, qua tìm hiểu, được biết danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh chưa phù hợp với quy hoạch nên gây khó khăn cho việc xem xét của Tổ liên ngành, không thể giới thiệu với nhà đầu tư do thiếu thông tin về vị trí đất.
Đa số các dự án trong danh mục mời gọi đầu tư chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000 được duyệt, không xác định được các thông số cụ thể của dự án nên nhà đầu tư e ngại do phải làm thay công việc của Nhà nước là nghiên cứu, chọn vị trí và xác định tính phù hợp của dự án trong quy hoạch.
Theo đánh giá của đoàn giám sát HĐND tỉnh, thì các dự án mời gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO trong danh mục của tỉnh chưa được phê duyệt dự án theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP nên chưa đủ cơ sở cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; tỉnh chưa tính toán đến phương án trả lại vốn cho các nhà đầu tư hoặc bố trí dự án khác để nhà đầu tư thu hồi lại vốn đầu tư đã bỏ ra nên không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mặt khác, tuy có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nhưng đa số là các công ty xây dựng đến để tìm cơ hội đầu tư các dự án BT, BOT mang tính xây dựng cơ bản và cũng có không ít nhà đầu tư đến tỉnh tìm cơ hội lập và sau đó bán dự án để hưởng chênh lệch.
Ngoài ra, công tác phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư của các sở, ngành chưa được tốt; công tác thẩm tra công nghệ dự án đầu tư chưa được sự đồng thuận cao, nội dung thẩm định chưa đủ cơ sở pháp lý. Các hạn chế liên quan đến đất đai, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhà ở cho người lao động cũng đã ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư.
Đặc biệt, có hiện tượng một số cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, có tư tưởng sợ sai, không dám nghĩ dám làm. Tính năng động, sáng tạo của một số cán bộ, công chức chưa cao. Các vấn đề này làm giảm lòng tin của nhà đầu tư, tạo dư luận không tốt trong doanh nghiệp về môi trường đầu tư của tỉnh, làm hạn chế cơ hội đầu tư trên địa bàn, trái với chủ trương, chính sách mời gọi thu hút đầu tư của tỉnh.
PHẠM HUỲNH
Bài 2: Vướng mắc trong thủ tục đầu tư.