Thứ Tư, 16/10/2013, 07:10 (GMT+7)
.

Châu Thành: Chủ động phòng, chống lũ và triều cường

Nằm trên địa bàn vừa chịu ảnh hưởng của lũ vừa chịu tác động của triều cường, từ đầu năm đến nay, Châu Thành đã tích cực triển khai công tác phòng, chống lũ và triều cường.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (BCH PCLB&GNTT) huyện Châu Thành cho biết, khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A (chuyên trồng lúa, rau màu và một số vườn cây ăn trái) hàng năm chịu ảnh hưởng nước lũ từ Đồng Tháp Mười (Mộc Hóa, Long An) đổ về.

Đối với khu vực trồng lúa không có đê bao khép kín, hàng năm chuẩn bị bước vào vụ hè thu chính vụ, huyện, xã khuyến cáo người dân tranh thủ xuống giống để đảm bảo thu hoạch trước khi lũ về. Năm nay, đến ngày 15-9, huyện còn 300 ha lúa chưa thu hoạch. Song, đến nay số diện tích trên đã được thu hoạch hoàn tất và đang xả lũ. Còn khu vực trồng rau màu ở khu vực này có đê bao khép kín bảo vệ nên đảm bảo an toàn trong mùa lũ.

Mặt khác, ở 4 xã: Điềm Hy, Nhị Bình, Long Định và Tam Hiệp hiện có 18 đập cần đắp để bảo vệ  hoa màu, vườn cây ăn trái, khu dân cư và đường giao thông. Theo kế hoạch, khi mực nước ở Mỹ Phước (huyện Tân Phước) đạt đỉnh 1,25 m, huyện sẽ cho tiến hành đắp 18 đập tạm.

Cống Phú Hòa (ấp Phú Hòa, xã Phú Phong) đang được thi công với vốn đầu tư 800 triệu đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng này để ngăn lũ, triều cường bảo vệ vườn cây ăn trái.
Cống Phú Hòa (ấp Phú Hòa, xã Phú Phong) đang được thi công với vốn đầu tư 800 triệu đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng này để ngăn lũ, triều cường bảo vệ vườn cây ăn trái.

Đối với phía Nam Quốc lộ 1A, chủ yếu trồng cây ăn trái và rau màu, hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ và triều cường từ sông Tiền. Những năm gần đây, triều cường trên sông Tiền diễn biến rất phức tạp. Năm 2011, các xã trong khu vực bị triều cường uy hiếp, nhiều nơi nước tràn bờ.

Theo dự báo của các ngành chức năng, năm nay lũ ở mức trung bình. Dù vậy, theo Phòng NN&PTNT huyện, công tác PCLB ở Châu Thành không vì thế mà lơ là, chủ quan; bởi diễn biến của lũ rất khó lường, trong khi đó triều cường những năm qua diễn biến rất phức tạp. Cụ thể, ngay từ đầu năm, BCH PCLB&GNTT huyện đã chủ động triển khai các công trình phục vụ công tác phòng, chống lũ và triều cường.

Theo đó, từ nguồn kinh phí PCLB, huyện đã triển khai 8 công trình (cống, bờ bao), trong đó có 4 công trình đã thi công hoàn tất, 4 công trình đang trong quá trình thi công với khối lượng công việc đã hoàn thành từ 80-90%, đảm bảo cơ bản cho công tác ngăn lũ, triều cường trong thời gian tới. Từ nguồn vốn thủy lợi phí, huyện đã triển khai 22 công trình kinh mương, cống.

Đến nay, có 13 công trình đã hoàn thành, 9 công trình đang thi công. Trong 9 công trình đang thi công có 7 công trình  hoàn thành từ 70-80% khối lượng công việc, 2 công trình còn lại hoàn thành 60%. Riêng đối với khu vực Cổ Chi có đê bao khép kín phục vụ cho trồng lúa, hoa màu nên đảm bảo an toàn cho sản xuất trong mùa lũ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu xảy ra mưa nhiều vào thời điểm lũ về sẽ gây ngập úng cho các diện tích đang sản xuất. Đối với vấn đề này, người dân nơi đây cần chủ động máy bơm để tiêu nước, chống ngập úng.

Ngoài các biện pháp nêu trên, các ngành, các cấp từ huyện đến xã đã tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về tình hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh; vận động nhân dân chủ động ứng phó.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, BCH PCLB&GNTT huyện đã tổ chức 5 cuộc tuyên truyền về công tác PCLB ở các xã: Kim Sơn, Phú Phong, Song Thuận, Nhị Bình, Điềm Hy; tiến hành 5 cuộc diễn tập PCLB tại thị trấn Tân Hiệp, xã Thân Cửu Nghĩa và xã Long Hưng; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh  tập huấn 2 lớp sơ cấp cứu cho các hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Bình Trưng và xã Nhị Bình; các hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình hoạt động của tổ chức mình.

Về phía cơ sở, các xã đang chủ động áp dụng mọi biện pháp phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”, kiểm tra các điểm xung yếu, lập kế hoạch bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân; vận động người dân gia cố, ủng hộ vật liệu để gia cố những đoạn bờ bao thấp, có nguy cơ bị tràn.

Anh Phạm Văn Thương (BCH PCLB &GNTT xã Bàn Long) cho biết, thời gian qua xã tiến hành trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy, xử lý các điểm sạt lở; kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu để tiến hành sửa chữa, gia cố kịp thời; vận động nhân dân tự gia cố những đoạn đê bao có nguy cơ bị tràn; vận động mỗi học sinh ủng hộ 2 cái bao (dùng chứa cát hoặc đất).

Đợt triều cường vừa qua đã uy hiếp một số đoạn đê bảo vệ vườn cây ăn trái của xã. Dự báo đợt triều cường tới còn phức tạp hơn, nhất là khi triều trường kết hợp với lũ và mưa lớn liên tục. Vì thế, xã tiến hành kiểm tra các bờ bao để kịp thời gia cố, sửa chữa; vận động người dân tự gia cố các điểm xung yếu…

Hiện nay, lũ chưa về đến huyện nhưng những ngày qua triều cường đã uy hiếp, gây tràn ở một số nơi trên địa bàn 4 xã phía Nam lộ. Dù chưa ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nhưng chỉ với đỉnh triều vừa qua đã bằng đỉnh triều năm 2011 cho thấy diễn biến triều cường năm nay sẽ rất đáng lo ngại.

Theo dự đoán của ông Sơn, đợt triều cường tới khả năng mực nước sẽ cao hơn mức của con nước cuối tháng 8 và đầu tháng 9 âl từ 10-20cm. Chính vì thế, những ngày qua, BCH PCLB-GNTT huyện tiến hành kiểm tra các nơi bị tràn, uy hiếp, bờ bao thấp để tổ chức gia cố; vận động nhân dân cùng với chính quyền cơ sở gia cố đê bao; đồng thời theo dõi sát sao tình hình mực nước lũ để khi xảy ra lũ lớn sẽ cho triển khai đắp 18 đập tạm.

Mặt khác, lũ về làm cho tình trạng sạt lở diễn ra mạnh hơn, huyện yêu cầu các xã phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” để ngăn sạt lở lớn. Ngoài ra, bão thường xảy ra ở phía Nam vào khoảng tháng 11, 12; đây cũng là thời điểm vú sữa đang mang trái. Nếu bão, lốc xoáy xảy ra vào thời điểm trên sẽ làm cây dễ bị đổ ngã, chất lượng trái bị ảnh hưởng, gây thiệt hại cho nhà vườn. Vì thế, ông Sơn đề nghị nhà vườn cần chủ động chằng chéo cây.

N.VĂN

.
.
.