Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy kinh doanh
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên ghi nhận ý kiến một số doanh nhân xoay quanh việc sản xuất - kinh doanh và những chiến lược mới trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
* Ông Lê Văn Bé, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2013: Doanh nghiệp cần xem xét lại chính mình
Những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) bị tác động bởi những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Hiện tại, tuy khó khăn đã vượt qua một phần nhưng khả năng năm 2014 tình hình kinh tế vẫn duy trì trạng thái như năm nay. Chính vì vậy, DN chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn cần phải xử lý.
Tuy nhiên, đây cũng là dịp để DN soi rọi lại chính mình. Đó là kiểm tra, đánh giá lại tình hình của nội bộ DN, chẳng hạn về nhân sự, tổ chức, chất lượng sản phẩm, tình hình công nợ… cái gì còn yếu thì nhanh chóng điều chỉnh, xử lý kịp thời. Trong giai đoạn này DN muốn đầu tư cần phải xem xét phương án một cách kỹ lưỡng và biết chờ thời cơ khi có cơ hội tốt hơn.
Cùng chung xu hướng này, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp cũng đang trong quá trình xem xét lại chính mình, củng cố đội hình, tái cấu trúc lại thị trường.
Theo đó, công ty đang tập trung xem xét lại hai vấn đề chính là nguồn nhân lực và sản phẩm chủ lực. Đối với nguồn nhân lực, công ty sẽ chú trọng trẻ hóa nguồn lực và đào tạo chuyên môn đạt yêu cầu đặt ra. Hiện tại, nếu không chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực là “thua” ngay; đồng thời, công ty chú trọng chất lượng sản phẩm, cố gắng giữ thương hiệu và thị phần trên thị trường.
Bên cạnh đó, công ty tiếp tục đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhằm theo kịp xu thế vận hành hiện nay. Chỉ riêng năm 2013, công ty đã đầu tư 2 tỷ đồng và sang năm 2014 số vốn để đầu tư máy móc, thiết bị chắc chắn sẽ tăng cao hơn.
Với tiền đề của những năm qua và việc củng cố, chấn chỉnh trong quá trình hoạt động hiện tại, công ty hy vọng trong 5 năm tới tốc độ tăng trưởng doanh số sẽ đạt bình quân 20%/năm và lợi nhuận cũng tăng trưởng theo với mức hợp lý nhất. Tuy nhiên, điều mà không ít DN mong mỏi là cần có khung hành lang pháp lý tốt hơn, thủ tục hành chính phải được tiếp tục cải tiến để DN nhẹ gánh hơn…
* Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Cần đổi mới tư duy kinh doanh
Hiện nay, các DN đang tập trung giải quyết những hệ quả của giai đoạn tăng trưởng nóng và những biến động mang tính đột ngột trên thị trường thời gian gần đây. Trong khi đó khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn đang tồn tại.
Tuy nhiên, theo nhận định đến cuối năm 2013 tình hình kinh tế sẽ chuyển động với những điểm sáng hơn do lạm phát tạm ổn định, nhưng vẫn không có bước đột phá, tốc độ tăng trưởng bình quân nhìn chung vẫn dưới 10% và ít nhất đến năm 2015 tình hình mới khả quan hơn.
Nhận định tình hình kinh tế trong cả nước nói chung và của tỉnh hiện nay thấy rằng, chỉ ngoại trừ nhóm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu có mức tăng trưởng tương đối, trong lợi ích mang lại không cao nhưng vẫn là nhóm ngành khả quan nhất.
Nhóm DN buôn bán nội địa có mức tăng trưởng dao động từ 7-8% nhờ vào hàng Việt Nam lên ngôi. Khó khăn nhất hiện nay là ngành xây dựng cơ bản do phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, kéo theo là nhóm ngành vật liệu xây dựng do không có đầu tư của Nhà nước.
Từ diễn biến của nền kinh tế hiện nay, các DN cần đổi mới tư duy kinh doanh, không nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng quá nóng. Trong bức tranh chung này, Hợp tác xã Rạch Gầm cũng tiến hành các phương án điều chỉnh chiến lược kinh doanh, trước mắt là loại bỏ những phương tiện vận tải cũ, chỉ lựa chọn những phương tiện phù hợp cho hiện tại và tương lai. Tức là hợp tác xã đang cơ cấu lại toàn bộ đội tàu với lực lượng vừa phải, chỉ duy trì đội tàu dao động từ 110.000-130.000 tấn nhằm giảm áp lực về lãi suất vay ngân hàng và phù hợp với tình hình hiện tại.
* Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần THƯƠNG MẠI Thuận Việt: Chú trọng xây dựng thương hiệu
Trong lúc khó khăn, thương hiệu sẽ mang tính sống còn của mỗi DN. Để xây dựng thương hiệu được người tiêu dùng chấp nhận đòi hỏi DN phải kiên nhẫn, trung thực và chấp hành mọi quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Do vậy, từ năm 2005 đến nay Công ty CP Thương mại Thuận Việt đã duy trì áp dụng những quy định một cách nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất nước uống và nước đá tinh khiết nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng chấp nhận.
Trong giai đoạn khó khăn, công ty được sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, với nhiều chính sách giúp đơn vị vượt qua khó khăn.
Trong gần 10 năm qua công ty đã được sự hỗ trợ về nguồn vốn hỗ trợ sau đầu tư, vốn kích cầu của Chính phủ, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế. Những gói hỗ trợ này tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị có điều kiện ổn định sản xuất - kinh doanh, tích lũy nguồn vốn và tái đầu tư hệ thống máy móc với công nghệ mới, hiện đại hơn.
Đặc biệt, riêng lĩnh vực thuế, hàng năm công ty được Chi cục Thuế huyện Châu Thành hỗ trợ, triển khai những văn bản mới, thường xuyên tổ chức họp mặt, tọa đàm liên quan đến các chính sách thuế nhằm giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, giúp DN ổn định sản xuất.
PHƯƠNG ANH (thực hiện)