Thứ Hai, 07/10/2013, 14:11 (GMT+7)
.

Ngành Nông nghiệp: 20 năm nỗ lực chinh phục vùng đất “rốn lũ, rốn phèn”

Gần 20 năm kể từ ngày thành lập huyện (năm 1994), vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” Tân Phước đã trải qua những bước thăng trầm, thử thách. Nhiều nông dân từ các nơi khác đến lập nghiệp, nhưng đã không thể ở lại với vùng đất được mệnh danh “con hổ ngủ” này.

Để giúp nông dân trụ lại với vùng đất “bàng, năn chắn lối, cỏ phủ đầu người”, ngành Nông nghiệp của huyện đã nỗ lực đẩy mạnh  việc khai hoang, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Từ đó, bức tranh Tân Phước dần dần được phủ lên bởi màu xanh bạt ngàn của khóm, lúa, khoai… giúp nông dân  nơi đây ổn định cuộc sống.

Cây khóm giúp cho nông dân Tân Phước thoát nghèo.
Cây khóm giúp cho nông dân Tân Phước thoát nghèo.

NHỮNG NGÀY ĐẦU GIAN KHÓ

Buổi đầu khi mới khai hoang Đồng Tháp Mười (ĐTM), do hệ thống kinh dẫn nước ngọt, rửa phèn chưa được hoàn thiện, nên ngoài bàng, năn, tràm ra thì khó có cây nào bám rễ được trên vùng đất nhiễm phèn nặng Tân Phước.

Chính vì vậy, trong những năm đầu mới thành lập huyện, đất hoang hóa còn gần 15 ngàn ha, chiếm 48% diện tích toàn huyện; đất đưa vào sản xuất chỉ có 13 ngàn ha, chủ yếu là canh tác cây lúa và một số cây trồng khác như mía, khóm, khoai mì, khoai mỡ… Do hệ thống kinh thoát lũ chưa hoàn thiện, nên mùa lũ thường kéo dài và ngập sâu, mùa khô thì thiếu nước ngọt trầm trọng. Hàng năm, người dân luôn sống trong nỗi âu lo mất mùa.

Lúa trồng mỗi năm chỉ được 1 vụ, nhưng cũng liên tục thất mùa, có năm mất trắng vì lúa chết. Cây khóm vừa bén rễ, chưa thu hoạch thì bị lũ về cuốn trôi. Một số nơi trong huyện trồng khoai mì, mía, nhưng các loại cây này giá trị kinh tế thấp nên cũng không thể giúp nông dân ổn định cuộc sống. Cây khoai mỡ cũng mới bén rễ trên vùng đất nhiễm phèn, nông dân chưa nắm kỹ thuật nên cũng không thể giúp người dân ấm no…

Vì vậy, trong những năm đầu khi huyện mới thành lập, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, nhiều hộ phải cứu đói. Nhiều người không chịu nổi với cuộc sống nghèo đói nên đã trở về quê hương hay phải tìm nơi khác sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo trong những năm đầu khi mới thành lập huyện chiếm 45%, tỷ lệ hộ đói chiếm 5%. Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa như: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông… tỷ lệ hộ nghèo khoảng 80%.

Làm thế nào để giúp cho nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống? Câu hỏi ấy luôn khiến các cán bộ ngành Nông nghiệp của huyện trăn trở, cố gắng đi tìm giải pháp để giúp nông dân thoát cảnh nghèo đói. Để giúp cho nông dân giải quyết cái đói trước mắt, cán bộ ngành Nông nghiệp của huyện đã tìm tòi, nghiên cứu để hướng dẫn bà con nông dân trồng lúa.

Để chinh phục vùng đất “con hổ ngủ”, kỹ sư Nguyễn Văn  Đậm, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Phước (là một trong những người vào ĐTM trước khi thành lập huyện) đã có sáng kiến cho lúa giống “lặn” xuống nước. Theo đó, hàng năm khi nước lũ rút còn cách mặt đất khoảng 7- 8 tấc thì bắt đầu rải giống. Đến khi nước hạ xuống còn cách mặt đất khoảng 2 - 3 tấc là lúa non bắt đầu trồi lên khỏi mặt nước.

Đến khi lúa sắp thu hoạch, mặt đất nứt nẻ vì thiếu nước tưới, anh lại vận động bà con không được bơm nước lên ruộng, vì nước dưới kinh độ phèn rất cao. Thành công bước đầu của ngành Nông nghiệp đã giúp bà con nông dân có được gạo ăn, không còn sợ đói. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do hệ thống kinh nội đồng chưa hoàn thành nên cây lúa cũng chỉ bám rễ ở các xã phía bên ngoài của huyện, chưa lấn vào các xã vùng sâu: Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông…

ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Khi hệ thống kinh nội đồng được xây dựng hoàn thiện, nước ngọt luồn sâu vào vùng “rốn lũ, rốn phèn”, từ đó độ phèn giảm dần, cây lúa cũng lấn vào các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Cùng lúc đó, cây khóm và khoai mỡ cũng được ngành Nông nghiệp khuyến khích bà con trồng, vì đây là 2 loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất nhiễm phèn nặng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, khi cây khóm và khoai mỡ mới bám rễ trên vùng đất ĐTM, bà con nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm được kỹ thuật, cây bị nhiễm bệnh, năng suất thấp. Cán bộ ngành Nông nghiệp của huyện lại trăn trở, mày mò, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân vì sao cây khoai, cây khóm thối rễ, cháy lá…

Trong giai đoạn này, cán bộ ngành Nông nghiệp của huyện đã “cùng ăn, cùng ở” với bà con nông dân để tìm ra nguyên nhân gây bệnh trên cây. Sau đó, để giúp nông dân nắm kỹ thuật, ngành Nông nghiệp của huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo… để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân.

Gần 20 năm đã trôi qua, ngành Nông nghiệp của huyện đã phối hợp với các ngành hữu quan, tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ… để giúp cho nông dân nắm kỹ thuật trồng lúa, khóm, khoai mỡ.

Sau khi hoàn thiện hệ thống kinh thoát lũ thì hệ thống ô đê bao chống ngập úng cho cây khóm cũng được đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn đầu khi cây khóm mới bén rễ trên vùng đất nhiễm phèn Tân Phước cũng gặp rất nhiều khó khăn, do hàng năm, cứ đến mùa lũ về là các cánh đồng khóm lại bị nhấn chìm trong nước.

Để giúp nông dân trồng khóm, hơn 10 năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng 134 ô đê bao cho vùng khóm nguyên liệu, với diện tích 18.991 ha; tổng chiều dài hơn 568 km, bảo vệ cho 14.718 ha khóm. Khi hệ thống ô đê bao được xây dựng, cán bộ ngành Nông nghiệp của huyện tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi cây tràm kém hiệu quả sang trồng khóm.

Từ đó, diện tích cây khóm cứ tăng dần qua mỗi năm. Đến nay, Tân Phước được xem là một trong những vùng khóm nguyên liệu lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khi có ô đê bao, bà con nông dân nắm được kỹ thuật, năng suất và chất lượng của trái khóm Tân Phước cũng dần dần tăng lên. Hiện nay, năng suất bình quân đạt 19,4 tấn/ha, sản lượng khóm thu hoạch của huyện đạt 250 ngàn tấn/năm.

Diện tích lúa của huyện hiện nay luôn giữ ổn định hơn 6.500 ha. Cây lúa sản xuất từ 1 vụ/ năm, tăng dần lên 2 vụ, rồi 3 vụ/ năm. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên năng suất và chất lượng của lúa cũng tăng lên.

Năng suất vụ đông - xuân đạt bình quân từ 6,5 -7 tấn/ha, 2 vụ còn lại từ 4,5 - 5 tấn/ha. Đặc biệt có những hộ áp dụng kỹ thuật tốt, lúa vụ đông - xuân đạt năng suất từ 8 -9 tấn/ha, 2 vụ còn lại từ 6 - 7 tấn/ha. Còn diện tích khoai mỡ hiện nay hơn 750 ha, năng suất đạt 9,57 tấn/ ha, sản lượng khoảng 7.200 tấn/ năm.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Lúa, khóm, khoai mỡ là 3 cây chủ lực của huyện. Cây lúa, khóm, khoai mỡ không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân, mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từng bước giảm dần. Thời gian mới thành lập huyện, hộ nghèo, đói chiếm đa số thì nay tỷ lệ này giảm chỉ còn 14,53%.

NG. CHƯƠNG

.
.
.