Xuất khẩu gạo tiểu ngạch: Lượng và giá trị tăng nhưng tiềm ẩn rủi ro
Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh, thì trong nửa tháng qua giá lúa gạo biến động mạnh là do xuất khẩu mạnh tiểu ngạch, với giá rất cao, chủ yếu là sang Trung Quốc, dẫn đến thị trường lúa gạo trong nước có biến động rất mạnh chứ không phải là yếu tố xuất khẩu có nhiều khả quan.
Xuất khẩu tiểu ngạch làm giá gạo có nhiều biến động trong thời gian qua (ảnh chụp tại Công ty TNHH Việt Hưng, ở huyện Cái Bè). |
Theo Cục Thống kê tỉnh, sau thời gian trầm lắng, hiện nay thị trường lúa gạo có dấu hiệu tăng trở lại, so tuần đầu tháng 10-2013, giá lúa hiện đã tăng thêm 200 đồng/kg. Lúa khô loại thường tại kho có giá từ 5.100 - 5.200 đồng/kg; lúa hạt dài giá từ 5.300 - 5.400 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu cũng tăng 200 đồng/kg. Cụ thể, gạo loại 1 (làm ra gạo 5% tấm) có giá khoảng 6.800 - 6.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu (làm ra gạo 25% tấm) có giá là 6.600 - 6.700 đồng/kg. Do gần đây lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng lên nhiều và do Việt Nam đã ký bán trên 320 ngàn tấn gạo, trong đó bán cho Philippines 120 ngàn tấn theo hợp đồng tập trung.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại bất chấp thị trường thế giới ảm đạm. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá gạo Việt Nam (gạo 5% tấm) xuất khẩu tăng thêm 25-35 USD/tấn nâng giá lên 380 - 390 USD/tấn.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã mua khoảng 3 triệu tấn gạo của Việt Nam (tăng nửa triệu tấn so cả năm 2012). Trong đó, có 1,8 triệu nhập qua đường chính ngạch; 1,2 triệu tấn còn lại theo đường tiểu ngạch. Như vậy, đến thời điểm này lượng gạo xuất sang Trung Quốc chiếm hơn phân nửa sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (10 tháng năm 2013 khoảng 5,5 - 5,6 triệu tấn).
Theo dự tính của VFA, từ nay đến cuối năm, vẫn tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo chính ngạch và tiểu ngạch sang Trung Quốc, sản lượng do đó không chỉ dừng lại ở mức 3 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN xuất khẩu gạo trong tỉnh, thì thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng, tuy nhiên việc xuất khẩu tiểu ngạch thời gian qua bộc lộ khá nhiều rắc rối như việc gian lận thuế xuất khẩu, không thực hiện cam kết theo hợp đồng, mua bán thiếu sự ràng buộc chặt chẽ.
Có một số hợp đồng khai mua bán chính ngạch nhưng khi thực hiện lại xuất tiểu ngạch qua biên giới để gian lận thuế. Do đó, theo khuyến cáo của VFA đối với cộng đồng DN, mặc dù được khuyến khích xuất khẩu nhưng phải thực hiện đúng việc kê khai chứng từ theo quy định của Nhà nước về buôn bán tiểu ngạch. Ngoài ra, còn phải lưu ý trong vấn đề tìm hiểu đối tác, kiểm tra kỹ lưỡng các điều khoản hợp đồng mua bán…
Hiện nay, châu Á chiếm 65% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và Việt Nam đã có chiến lược xúc tiến các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Đông Á (Philippines, Indonesia, Malaysia) hoặc Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật... Trung Quốc được đánh giá là thị trường lớn nhưng Trung Quốc lại không muốn vào khuôn khổ, không muốn nhập chính ngạch nên việc xúc tiến sẽ gặp khó khăn hơn.
Năm 2013, thế giới xảy ra tình trạng thừa gạo. Một số nước vẫn tồn kho hàng chục triệu tấn như Thái Lan, Ấn Độ… Do đó, số lượng gạo xuất khẩu chính ngạch (qua thống kê từ Hải quan) không đạt, nhưng bù lại lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch tăng khá mạnh. Tuy nhiên, trên thị trường lúa gạo đang có nghịch lý là giá gạo nguyên liệu trong nước lại cao hơn giá xuất khẩu. Thị trường lúa gạo trong nước đang sôi động nhưng các DN xuất khẩu gạo lại gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi gần đây, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cũng có chung nhận định này. Ông Khiêm cho rằng, khả năng đến cuối năm 2013 tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn xấu do Thái Lan tăng lượng hàng bán ra, các nước lại trúng mùa nên khả năng giá gạo xuất khẩu tăng cũng rất thấp. Hy vọng là đến những tháng đầu năm 2014 tình hình xuất khẩu gạo mới có khả quan.
PHƯƠNG NGHI