Cần có cơ chế riêng cho liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
Sáng 26-11, Hội nghị giữa UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong khuôn khổ MDEC - Vĩnh Long 2013. Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, qua 12 năm hợp tác, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã tham gia đầu tư 23 khu, cụm công nghiệp và kinh doanh tại các tỉnh, thành ĐBSCL với trên 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị với tổng vốn đăng ký 260.000 tỷ đồng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thì báo cáo năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2012 ĐBSCL có 10/13 tỉnh thành được xếp vào nhóm tốt, đặc biệt Đồng Tháp giữ vị trí số 1, An Giang giữ vị trí số 2, Vĩnh Long thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI của 63 tỉnh, thành cả nước; điều này cho thấy sự hài lòng, tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Riêng Tiền Giang, đến tháng 9-2013 đã có 44 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 12.023 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân trả lời báo chí tại hội nghị. |
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng quá trình hợp tác, liên kết giữa thành phố và các tỉnh, thành vẫn còn tồn tại một số hạn chế; vì thế cần ngồi lại để sơ kết rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác.
Theo ông, trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cùng thực hiện một số giải pháp như việc hợp tác không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các sở, ngành và địa phương mà cần phải tổ chức, mở rộng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân của hai bên có nhu cầu hợp tác.
Cần tăng cường công tác vận động thu hút đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư có ngành nghề phù hợp với địa phương; đồng thời tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin, đối thoại giữa các sở, ngành, lãnh đạo địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành.
Lãnh đạo hệ thống Co.op Mart TP. Hồ Chí Minh cho rằng hệ thống Co.op đã phát triển rộng khắp các tỉnh, thành ĐBSCL, qua đó cũng đã liên kết với các tỉnh, thành trong việc tiêu thụ nông sản; thời gian qua các tỉnh, thành ĐBSCL đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc thực hiện mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ nông sản.
Lãnh đạo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng sẽ tiếp tục duy trì những hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, nông sản giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận trực tiếp với người nông dân đồng bằng và ngược lại. Sở Công thương thành phố sẽ luôn đồng hành với các tỉnh, thành khu vực trong công tác quản lý, làm sao cho mối liên kết giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đạt hiệu quả cao.
Trong những ý kiến đề xuất của các đại biểu về giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, đa số đều thống nhất cần có một cơ chế đặc thù riêng cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL; đề xuất TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ đầu tư hạ tầng giao thông; Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các sản phẩm lúa, gạo, thủy sản và trái cây.
DS