Còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp
Bài 2: Doanh nghiệp chờ cơ hội mới
Gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013” và Nghị quyết 02 của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”, đã đạt được nhiều mặt tích cực nhưng dường như tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trên 330 tỷ đồng nợ thuế và hàng trăm tỷ đồng nợ quá hạn ở các ngân hàng thương mại (NHTM), tập trung nhiều ở các DN; có trên 460 DN đóng cửa (giải thể, bỏ trốn…) - theo số liệu của Cục Thuế tỉnh tính đến ngày 30-9, đã phần nào phản ánh tình trạng “sức khỏe” của các DN trên địa bàn tỉnh.
Nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn. |
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và 02 một cách quyết liệt, nhất là ở khía cạnh miễn, giảm, gia hạn thuế và giảm lãi suất cho vay của các NHTM đã phần nào hỗ trợ hoạt động, giúp các DN ổn định SXKD. Ở một góc nhìn khác, việc tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cũng giúp thu hút thêm các nhà đầu tư mới.
Tại buổi họp mặt DN gần đây, đánh giá về tình hình hoạt động của các DN trong 9 tháng qua, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, ngay từ đầu năm 2013, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, lãi suất cho vay của các NHTM đang có xu hướng giảm, các ngân hàng đã cung cấp kịp thời nguồn vốn cho các DN.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn có 362 DN và 3.192 hộ kinh doanh đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 1.470 tỷ đồng, tăng 27% về số lượng DN và 9% về số hộ kinh doanh so với cùng kỳ năm 2012; đồng thời cũng có 115 DN đăng ký bổ sung thêm vốn, 292 lượt DN đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, 82 lượt DN mở chi nhánh và văn phòng đại diện…
Thế nhưng, đó cũng chỉ là những con số bề nổi, bởi trên thực tế tình hình kinh tế của tỉnh nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sức mua chung của xã hội còn thấp, giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng gây khó khăn cho hoạt động SXKD của các DN.
“Đến cuối năm 2013, các DN của tỉnh vẫn đang tiếp tục khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động đang tiếp tục tăng. Tình hình SXKD của các DN phục hồi chậm, sức mua của thị trường ở mức thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong nước và những rào cản về thương mại quốc tế. Tình trạng thiếu lao động có tay nghề vẫn là thách thức đối với các DN” - ông Trần Văn Dũng nhận định.
Hiện tại chưa có đánh giá cụ thể nào về tình hình nội tại của các DN. Với những gì đang diễn ra, nếu đánh giá đúng thực chất các DN chắc chắn còn rất nhiều điều cần bàn cãi, mổ xẻ. Trên thực tế, nếu xét ở khía cạnh hẹp, cũng có những thông số có thể phản ánh phần nào thực trạng của các DN đang hoạt động ở mức độ nào.
Điều thể hiện rõ nhất là tình hình nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) và nợ thuế, nhất là ở khối DN và tình hình nợ quá hạn ngân hàng. Nếu xem xét ở góc độ này, có thể thấy thời gian gần đây hiệu quả của không ít DN gặp rất nhiều khó khăn do tỷ lệ thu ngân sách đạt rất thấp và nợ thuế lại tăng cao.
Có lẽ năm nay là một trong những năm mà tình hình thu ngân sách của tỉnh gặp khó khăn nhất. Đây cũng là tình hình chung của cả nước. Đến ngày 30-9, ngành Thuế chỉ mới thu được trên 61% kế hoạch, trong khi nợ đọng thuế lại cứ tăng dần. Đã có trên 330 tỷ đồng tiền nợ thuế, bao gồm cả nợ khó thu, nợ có khả năng thu và nợ chờ xử lý, mà phần lớn tập trung ở các DN có quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh.
Để minh chứng cho thực trạng này, ông Phan Tuấn Trình, Trưởng phòng Kiểm tra thuế số 2, Cục Thuế tỉnh (bộ phận theo dõi quản lý thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đối với các DN do Cục Thuế quản lý) cho rằng, đến ngày 30-9 chỉ mới thu đạt trên 51% kế hoạch mà phòng được giao. Nguyên nhân chính là do tổng số thuế phát sinh thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do hầu hết các DN gặp khó khăn.
Từ số liệu trên phần nào cho thấy tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 chưa có dấu hiệu phục hồi, SXKD chưa phát triển, còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều DN lâm vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, phá sản; nhiều DN có số thuế gia hạn đến hạn nộp nhưng không có tiền nộp thuế; trong 9 tháng qua đã có 40 DN trong khối ngưng hoạt động, vỡ nợ, phá sản.
Ông Phan Tuấn Trình dẫn chứng thêm, nguồn thu đối với DN ngoài quốc doanh trong những năm qua phần lớn tập trung vào ngành chế biến, kinh doanh lương thực và chính từ ngành này mang lại số thu lớn cho NSNN. Thế nhưng, theo số liệu trong 9 tháng qua, ngành kinh doanh lương thực chỉ phát sinh có 80,6 tỷ đồng trong khi so với cùng kỳ năm 2012 là 124,8 tỷ đồng… Trong khi đó, đa số các DN kinh doanh lương thực hiện đang thiếu vốn để kinh doanh.
Một số DN vay vốn ngân hàng nhưng bị vỡ nợ, với số nợ tín dụng còn tương đối lớn, chẳng hạn như: Công ty H.H vay 40 tỷ đồng, Công ty HL vay 40 tỷ đồng, Công ty HTP vay 40 tỷ đồng, Công ty THT vay 30 tỷ đồng… Điều đáng nói là tất cả tài sản của các DN này đều thế chấp ngân hàng nhưng khi thanh lý tài sản thì không bù lại số vốn đã vay, từ đó các ngân hàng thắt chặt nguồn vốn tín dụng và định giá lại tài sản.
“Hiện tại các DN kinh doanh lương thực nguồn vay vốn ngân hàng đều nằm trong tài sản, vốn lưu động rất ít. Do đó, có một số DN những năm trước đây có số nộp NSNN rất lớn, hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, không có vốn để kinh doanh nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả SXKD và nộp NSNN” - ông Phan Tuấn Trình nhận định.
THẾ ANH
Bài 2: Chờ cơ hội mới