ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh
Với ĐBSCL, kinh tế xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc triển khai công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, thân thiện với môi trường, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo MDEC - Vĩnh Long 2013 Bùi Ngọc Sương cho biết, thời gian qua Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL tập trung thực hiện Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh; đồng thời liên tiếp 2 lần tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) đều hướng đến chủ đề này.
Đó là MDEC – Tiền Giang 2012 với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững” và MDEC – Vĩnh Long 2013 (tổ chức ngày 25 đến 26-11) chọn chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, với mong muốn thông qua MDEC nâng cao nhận thức và hành động theo yêu cầu tăng trưởng xanh, mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, xem xét ưu tiên đối với các dự án phát triển nông nghiệp, công nghiệp xanh với công nghệ, thiết bị hạn chế gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường…
Phun thuốc đúng cách sẽ giảm ô nhiễm môi trường. |
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 danh mục cấp bách, ưu tiên đầu tư với khoảng 5.000 tỷ đồng, gắn việc thực hiện các công trình này với các dự án đầu tư về thủy lợi, đê biển, trồng rừng để tái sinh rừng tự nhiên; đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hội thảo về định hướng phát triển ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu để lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhằm sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học.
Kinh tế xanh là gì? Theo Ban Tổ chức MDEC - Vĩnh Long 2013, kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải gây ô nhiễm môi trường thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Trong nền kinh tế xanh, nhân tố môi trường có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh góp phần cải thiện sự công bằng xã hội, được xem là một hướng đi tốt để phát triển bền vững. |
Với quan điểm trên, thời gian qua Tiền Giang luôn bám sát vào việc tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm được các loại hóa chất độc hại và nền sản xuất thân thiện với môi trường, đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nông nghiệp Tiền Giang kiên trì thực hiện chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP, chương trình IPM, các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”… trên cây trồng, vật nuôi đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Qua đó, tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ được môi trường sinh thái và tăng lợi ích của người dân. Trong công nghiệp, Tiền Giang tập trung vào những lĩnh vực như: xử lý chất thải các khu công nghiệp (trước hết là xử lý nước thải), chương trình tiết kiệm năng lượng.
Mặt khác, trong các chương trình thu hút mời gọi đầu tư, Tiền Giang luôn hướng đến phát triển bền vững khu công nghiệp, nhất là khuyến khích các dự án không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong lĩnh vực du lịch, ngành chức năng tập trung quy hoạch nhiều khu du lịch hướng đến nền kinh tế xanh như vườn cây ăn trái.
Tỉnh Vĩnh Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt tạo thành các cù lao, đây là lợi thế phát triển nông nghiệp nói chung và vườn cây ăn trái nói riêng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Tỉnh cũng đã khởi xướng chương trình du lịch hấp dẫn “Đi trong màu xanh của đồng bằng” đã thu hút được nhiều khách tham quan.
Hằng năm, Vĩnh Long đón 400.000 lượt du khách, trong đó có 1/4 là khách quốc tế. Vĩnh Long đã lập quy hoạch phát triển ngành Du lịch từ nay đến năm 2020 và định hướng, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Địa phương này sẽ tiếp tục xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, đặc biệt tại các cù lao. Vĩnh Long có 2 khu công nghiệp (Hòa Phú và Bình Minh) với nhiều dự án đã đầu tư vào đây.
Để đảm bảo phát triển công nghiệp không ảnh hưởng đến môi trường, khi tỉnh cấp phép đầu tư luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các khu công nghiệp phải có phương án đánh giá tác động môi trường và tỉnh tiến hành thẩm định chặt chẽ trước khi quyết định cho đầu tư.
Hiện nay, 2 khu công nghiệp cũng đã được xây dựng nhà máy xử lý nước thải và quyết tâm của tỉnh đối với các dự án xây dựng trong 2 khu công nghiệp phải được xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường, hạn chế và có thể không gây ô nhiễm đến các dòng sông...
Theo các chuyên gia, kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh học. Đây được xem là một mô hình mới, góp phẩn giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu: giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.
Tuy nhiên, phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực. Vì vậy, chúng ta cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, có những cơ chế, chính sách thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng xanh.
SĨ NGUYÊN