Thứ Tư, 13/11/2013, 05:34 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn

Bài 1: Còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp
Bài 2: Doanh nghiệp chờ cơ hội mới

Chủ trương của UBND tỉnh và các sở, ngành là tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn một cách nhanh chóng, nhằm ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD) và phát triển bền vững.

Giờ đây chính là lúc cùng chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn. Ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang chia sẻ:

Trong các năm qua nhất là năm 2012 và 9 tháng qua là thời gian khó khăn nhất không phải riêng đối với nền kinh tế đất nước mà còn cực kỳ khó khăn đối với DN. Nghị quyết 11 của Chính phủ Về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội  là đúng đắn và cần thiết, nhưng thực tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của DN. Giảm đầu tư công, hạn chế tín dụng, giá cả thị trường, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng đầu vào đồng loạt tăng cao… đã gây nên những hệ quả như thiếu việc làm, thiếu vốn cho đầu tư các dự án dở dang và vốn lưu động cho chu kỳ SXKD; giá đầu vào tăng, kéo theo giá bán tăng nên sản phẩm khó tiêu thụ, tồn kho, đọng vốn hoặc dẫn đến kinh doanh thua lỗ; đã khó khăn về vốn lại gặp phát sinh nợ chậm trả đối với lĩnh vực thuộc nguồn vốn đầu tư công, phát sinh tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau của các DN, nợ quá hạn ở các ngân hàng…

Cần nhiều giải pháp đồng bộ giúp DN ổn định SXKD và phát triển ổn định.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ giúp DN ổn định SXKD và phát triển ổn định.

Qua thực tế này, DN mong muốn rằng Nhà nước cần quan tâm xem xét để có những giải pháp thiết thực, kịp thời cứu nguy cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Để giải phóng gánh nặng cho DN, Hiệp hội Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có quy định mức chênh lệch giữa vốn huy động và vốn cho vay là 3%.

Liên quan đến câu chuyện lãi suất vay ngân hàng cũng như việc tái cơ cấu nguồn vốn vay của các DN, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và chủ trương chính sách của ngành ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã làm tốt công tác cơ cấu nợ cho khách hàng như: Cơ cấu thời hạn trả nợ, cơ cấu về lãi suất và miễn, giảm lãi.

Thực tế, hệ thống NHTM trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu nợ vay cho 2.079 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu 262 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động theo đúng chủ trương chung của NHNN. Hiện các thành phần kinh tế đã được tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn với lãi suất tối đa 9%/năm và vay trung dài hạn lãi suất tối đa không quá 13%/năm.

“Từ nay đến cuối năm, NHNN Chi nhánh tỉnh Tiền Giang tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như tiếp tục mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, xem xét giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để chia sẻ khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN, hộ SXKD và ngân hàng, khơi thông nguồn vốn cho SXKD, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ DN và các thành phần kinh tế duy trì, phát triển”- ông Võ Thanh Nhã cho biết.

Phân tích thêm về cơ cấu lãi suất cho vay, tại buổi họp mặt DN gần đây bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho biết, lãi suất cho vay của hệ thống các NHTM nhìn chung từ 13%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 88,2% trên tổng dư nợ. Theo đó, lãi suất cho vay dưới 9%/năm chiếm 30%; từ 11-13%/năm chiếm 35%, trên 15%/năm chỉ chiếm 1,2%.

Theo bà Nguyễn Thị Đậm, thời gian qua các NHTM đã chủ động tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh công tác cho vay, chủ yếu nhắm vào 5 lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN vừa và nhỏ và ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, dư nợ cho vay tăng 2.448 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm 2013. Trong khi đó, tuy lãi suất huy động có giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng 7,12%, nợ xấu chỉ chiếm 2,66% trên tổng dư nợ…

Thế nhưng, thực tế cũng có câu hỏi đang đặt ra là dù lãi suất cho vay đã giảm sâu, hạn mức tín dụng đang được nới ra nhưng vay vốn để làm gì? Song song với việc khai thông nguồn vốn còn cần thêm những giải pháp gì? Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, các DN hãy đồng hành với tỉnh, tiếp tục vượt khó, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả SXKD.

Các DN cần mở rộng quan hệ, thâm nhập lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có kỹ thuật cao để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nắm vững các vấn đề về hội nhập, đặc biệt là luật pháp, thông lệ quốc tế, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động…

Trước bộn bề khó khăn vừa qua, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành lắng nghe ý kiến phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình SXKD của các DN để UBND tỉnh tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ. Tập hợp nội dung ý kiến phản ánh của các DN hầu hết tập trung vào các nhóm vấn đề: Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại; hỗ trợ vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi; công tác quản lý thị trường, giá cả; kiến nghị trong lĩnh vực thuế; trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường; trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; lĩnh vực cung cấp điện, lao động...

Song song đó, UBND tỉnh cũng tổ chức các đoàn công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng một số sở, ngành có liên quan và Thường trực Hiệp hội DN đến làm việc với các DN để nghe các DN trình bày cụ thể khó khăn, vướng mắc và kết luận, chỉ đạo trực tiếp các sở, ngành có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Mới đây nhất, nhân dịp họp mặt Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian tới còn nhiều khó khăn từ nội tại của nền kinh tế và những yếu tố khách quan. Do vậy, hơn lúc nào hết các DN cần chung sức chung lòng, nhất là giữa các DN cùng ngành nghề, giữa DN với chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Hiệp hội DN tỉnh cần tiếp tục đồng hành với DN nhằm xây dựng ngôi nhà chung và kêu gọi nhiều DN gia nhập vào thành viên của hiệp hội.

Chủ tịch UBND tỉnh  yêu cầu các sở, ngành kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các thủ tục hành chính; tiếp nhận, lắng nghe và chia sẻ với DN thông qua nhiều kênh khác nhau nhằm giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. “Riêng phía DN cũng cần phấn đấu không ngừng, biết cần chuẩn bị những gì trong quá trình hội nhập và phát triển. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển”- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

THẾ ANH

.
.
.