Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại và bền vững
“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng về lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, rau màu… Nhưng đa số nông dân đều áp dụng theo phương thức sản xuất, kinh doanh đơn giản và chưa có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Còn doanh nghiệp thu mua những sản phẩm nói trên thường qua kênh thương lái.
Vậy làm thế nào để kết dính và phát huy tối đa mối liên kết này? ” - Đó là những vấn đề mà Nhà nước, nhà khoa học và các ngành chức năng đặt ra tại Hội thảo “Đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ nông sản hiệu quả và bền vững” vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ.
Hàng năm, nuôi trồng thủy sản góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của một số tỉnh vùng ĐBSCL. |
“Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài”. Đó là những mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến.
Theo các chuyên gia đầu ngành, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL có xu hướng đa dạng hóa tổ chức sản xuất dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ; gắn kết nông dân và doanh nghiệp, giữa vùng sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Ở ĐBSCL, xuất hiện nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Trong đó, có những mô hình được xem là xu thế tất yếu và tương lai của nền nông nghiệp nước nhà. Bộ NN&PTNT nhận xét: “Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tính đến năm 2012, mỗi ha lúa tham gia CĐML, người sản xuất lãi từ 2,2 - 7,5 triệu đồng; chi phí sản xuất giảm từ 10-15%, giá trị sản lượng tăng từ 15-25%.
Mô hình CĐML không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà đang được áp dụng sáng tạo sang các loại nông sản khác như: mía đường, cà phê, điều, thủy sản và rau an toàn. Mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín như: Mô hình chăn nuôi heo và gia cầm của Công ty cồ phần chăn nuôi CP Việt Nam; vùng nguyên liệu sản xuất và chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ”.
Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Theo đó, người nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận lương theo theo thời vụ. Mô hình này phát triển khá phổ biến ở nước ta.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đại biểu cũng cho rằng: Các mô hình sản xuất và quản lý nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa phát huy hết hiệu quả là do mối liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mặc dù có sự chuyển mình mạnh mẽ, song tập tính canh tác, tiêu thụ lúa gạo của nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa ổn.
Mô hình CĐML đã cho thấy xu hướng giảm bớt các chi phí trung gian, mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng lúa. Những thay đổi này là cần thiết; song cũng cần có những giải pháp đồng bộ để giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của giá cả lúa gạo Việt Nam.
Còn theo ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ, nông dân chưa gắn kết được với đơn vị phân phối và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Người sản xuất vẫn chưa có ý thức bán hàng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất mà chỉ quan tâm đến việc bán có lời, bán nhanh và thu tiền ngay.
Với phương thức thu mua như thế nông dân không quan tâm đến thương hiệu, mẫu mã sản phẩm của mình. Từ đó, nông dân vẫn áp dụng các giải pháp canh tác đơn giản, chưa chủ động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. “Vườn của ai nấy trồng, sản xuất bao nhiêu bán bấy nhiêu, mùa nào trồng cây đó…” - ông Bắc nói.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đề xuất: “Bộ NN&PTNT tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản tập trung, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, sản xuất nông sản theo hướng GAP với chất lượng đạt tiêu chuẩn và khối lượng lớn theo yêu cầu của thị trường; đồng thời tạo điều kiện và hỗ trợ người sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch.
Bộ Công Thương liên kết chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để “đặt hàng” sản phẩm nông sản, lên kế hoạch phát triển và quản lý thị trường trong nước, nhất là các chợ đầu mối, làm cơ sở cho xuất khẩu. Điều tra, nghiên cứu xác định thị trường xuất khẩu tiềm năng và đề ra chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu cho từng ngành.
Ngoài ra, ngành Công thương các tỉnh, thành cần tạo điều kiện cho các nông dân sản xuất giỏi, các HTX hoạt động hiệu quả tham gia nghiên cứu thị trường, tham gia xúc tiến thương mại…”
SĨ NGUYÊN