Thứ Tư, 27/11/2013, 06:08 (GMT+7)
.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013

Nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2013 tại Vĩnh Long (MDEC - Vĩnh Long 2013), sáng 25-11, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 chính thức diễn ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.

a
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Ban Tổ chức Hội nghị, kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, môi trường đầu tư được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt khoảng 11,5%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2012: khu vực I: 38,26% (giảm 15,24%), khu vực II: 25,85% (tăng 7,35%), khu vực III: 35,89% (tăng 7,89%).

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng năm 2012 đạt 14,27 tỷ USD (chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp tăng từ 56.292 tỉ đồng (năm 2001) lên 101.000 tỉ đồng (năm 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt 6,9%. Riêng năm 2012 đạt 122.506 tỷ đồng.

Sản xuất lúa, trái cây, thủy sản phát triển nhanh về sản lượng, là các ngành chủ lực của vùng. Thương mại, dịch vụ, du lịch có những bước phát triển khá, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều cố gắng. Hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi. Toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ. Các đô thị được đầu tư, nâng cấp.…

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 9-2013 ĐBSCL đã có 802 dự án FDI với tổng vốn là 11 tỷ USD, đứng hàng thứ 4/7 vùng của cả nước. Về  đầu tư của doanh nghiệp trong nước, hiện toàn vùng có 119 doanh nghiệp Nhà nước và 43.764 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động.

ký thỏa thuận giữa BCĐ Tây nam bộ và ngân hàng CSXH Việt Nam.
Ký thỏa thuận giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng Chính sách-Xã hội Việt Nam.

Riêng Tiền Giang tại hội nghị này có 10 dự án kêu gọi đầu tư, với số tiền 6.193 tỷ đồng như: Chung cư chuyên gia và chung cư công nhân ở Khu tái định cư Tân Hương, Cáng cá Vàm Láng (kết hợp trú bão), Khu dân cư Trung An, Khu đón tiếp đường bộ, Trung tâm Thương mại Tân Hương, Khu dân cư đô thị Vàm Láng, chợ và dãy phố xã Song Thuận, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Mỹ Tho, Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang, Khu hành chính tỉnh Tiền Giang…

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư cho tỉnh An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long và Long An. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao chủ trương đầu tư cho tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long và Hậu Giang. Đồng thời ký thỏa thuận phối hợp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng Chính sách - Xã hội Việt Nam cùng các hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng và doanh nghiệp (DN).

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả của Hội nghị xúc tiến đầu tư các tỉnh ĐBSCL qua các kỳ MDEC. Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2013 là năm khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu cơ bản với các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều giữ vững, qua đó chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta được tăng 5 bậc.

Riêng ĐBSCL với thế mạnh về lương thực, thủy sản, kinh tế biển, thời gian qua các địa phương đã nỗ lực trong thu hút đầu tư, Chính phủ cũng đã từng bước đầu tư về hạ tầng cho vùng nhằm tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn cho khu vực. Tuy nhiên, ĐBSCL còn nhiều khó khăn chưa xứng với tiềm năng thế mạnh,  như phát triển kinh tế chưa bền vững, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội còn nhiều yếu kém so với các vùng, miền khác; quốc phòng-an ninh còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định cần tập trung giải quyết..…

Vì thế, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất gắn với thị trường trong nước và thế giới sao cho phát huy thế mạnh của từng địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhà đầu tư, xử lý nợ xấu phù hợp với đặc điểm tình hình của từng DN; tạo điều kiện cho vay với các dự án khả thi có hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho nông thôn, nông dân; đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải cách thủ tục hành chính, xem khó khăn, thành công của DN cũng là khó khăn, thành công của mình.

Đối với các DN, nhà đầu tư cần cơ cấu lại sản xuất, các nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng đầu tư thì nhanh chóng triển khai, đảm bảo tiến độ; các DN chưa đầu tư thì hãy tìm cơ hội. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, nhà đầu tư làm ăn hiệu quả tại vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

D.SƠN- S.NGUYÊN

.
.
.