Thứ Hai, 18/11/2013, 08:52 (GMT+7)
.

Khơi thông "dòng chảy" tín dụng về nông thôn

Chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) theo Nghị định 41 của Chính phủ đã khơi thông được “dòng chảy” tín dụng về nông thôn. Điều này đã được các đại biểu đánh giá tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang tổ chức ngày 12-11.

TẬP TRUNG VỐN CHO NÔNG THÔN

Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT thay thế Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ là một bước tiến quan trọng, nhằm khơi thông nguồn vốn về nông thôn. Điều đặc biệt của Nghị định 41 là có một số điểm mới so với Quyết định 67, cho phép ngân hàng cho hộ nông dân vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa lên tới 50 triệu đồng; tập trung nguồn vốn để hỗ trợ cho 8 lĩnh vực được đầu tư, nhằm góp phần tích cực phát triển NN-NT trên địa bàn tỉnh.

bv
Nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Sau gần 3 năm thực hiện việc cho vay NN-NT theo Nghị định 41, dòng vốn tín dụng đã “chảy” về nông thôn tương đối lớn. Theo ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang, nếu như vào thời điểm cuối năm 2010, dư nợ tín dụng khu vực NN-NT chỉ đạt 6.736 tỷ đồng, thì đến cuối tháng 9-2013 dư nợ cho vay nông nghiệp của ngành Ngân hàng đã tăng gấp 1,46 lần, với dư nợ là 9.851 tỷ đồng, chiếm 53% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; bên cạnh đó, cơ cấu nợ tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư vốn hàng năm (tăng từ 49,2% năm 2010 lên 53% đến cuối tháng 9-2013).

Việc đầu tư vốn cũng được tập trung chủ yếu vào các đối tượng là hộ gia đình và cá nhân, chiếm 64% trên tổng dư nợ và cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 36%. Mức dư nợ bình quân hộ cũng không ngừng tăng lên, nếu như vào năm 2010 dư nợ bình quân hộ là 32,6 triệu đồng/hộ, đến cuối năm 2012 dư nợ bình quân hộ đạt 58 triệu đồng/hộ, đã đáp ứng được tương đối đủ nhu cầu vốn cho đa số hộ sản xuất trong lĩnh vực NN-NT. 

Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Tiền Giang, các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước là các đơn vị đi đầu trong việc cho vay ở lĩnh vực NN-NT; trong đó chủ lực là Ngân hàng NN&PTNT, với dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm 90% trên tổng dư nợ của chi nhánh. Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh, tuy thị phần không nhiều nhưng cũng đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế NN-NT.

Hàng năm, hệ thống quỹ tín dụng đã hỗ trợ cho 10.000 lượt thành viên là những hộ nông dân vay vốn, dư nợ đến cuối tháng 9-2013 đạt 345 tỷ đồng, tăng 147 tỷ đồng, tăng 74% so  năm 2010. “Chính sách tín dụng về NN-NT đã hỗ trợ tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp. Thời gian tới, ngành Ngân hàng cần mở rộng hạn mức tín dụng nhằm hỗ trợ hơn nữa cho người nông dân”- bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết.

GÓP PHẦN CHUYỂN DỊCH KINH TẾ

Điểm mới trong Nghị định 41 của Chính phủ là quy định mức vay không có bảo đảm bằng tài sản lên tối đa 50 triệu đồng/hộ đã tạo điều kiện cho các hộ  sản xuất - kinh doanh (SXKD) nhỏ lẻ có thể vay đủ vốn để đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, cơ cấu vốn cho vay sản xuất, cho vay vào lĩnh vực NN-NT gia tăng, tạo điều kiện phát triển mô hình SXKD tập trung, phát triển kinh tế trang trại và phát triển ngành nghề.

Theo NHNN Chi nhánh Tiền Giang, trong tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 41, dư nợ cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đến cuối tháng 9-2013 là 3.533 tỷ đồng, chiếm 35%/tổng dư nợ cho vay và tăng 1.882 tỷ đồng so với năm 2010.

Theo đánh giá chung, chất lượng tín dụng cho vay NN-NT được bảo đảm. Nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp. Đến cuối tháng 9, nợ xấu chỉ chiếm 1,52% trên tổng dư nợ cho vay NN-NT và phát sinh chủ yếu do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh. Các đại biểu cho rằng, Nghị định 41 là một bước tiến quan trọng trong chính sách đối với NN-NT nhằm thực hiện Nghị quyết 26 về “Tam nông”, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, đặc biệt là người nghèo ở địa bàn nông thôn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để đầu tư SXKD.

Bên cạnh đó, chương trình tín dụng NN-NT gắn với việc phát động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 30 xã được chọn thí điểm đã góp phần cải tạo cơ sở hạ tầng nông thôn, trường học, nhà cửa…

Trên 35% vốn đưa vào khu vực sản xuất

Theo phân tích của NHNN Chi nhánh Tiền Giang, dư nợ cho vay đối với sản xuất như: trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái; chăn nuôi cá tra, tôm, heo, gia cầm... chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ cho vay NN-NT, đến cuối tháng 9 đạt 3.476 tỷ đồng, chiếm 35,7% dư nợ cho vay NN-NT.

Cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cũng có tỷ lệ cao, chiếm 31%, với số dư nợ là 3.048 tỷ đồng. Dư nợ cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đạt 848 tỷ đồng, chiếm 8,72%. Cho vay kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm và thủy sản chiếm 9 %...

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Nghị định 41 cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Theo đánh giá chung, công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn cũng như công tác khuyến nông, khuyến ngư còn hạn chế, đa số hộ nông dân còn lo lắng chưa biết chọn trồng cây gì, con gì có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định; việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và tìm kiếm đối tượng sản xuất, chăn nuôi cho hộ nông dân chưa được thường xuyên.

Hiệu quả của việc sử dụng vốn trong một số hộ nông dân chưa cao, ngày càng có nhiều hộ lỗ nặng, dẫn đến khó khăn hoặc không có khả năng trả nợ nên phải bán bớt ruộng đất để trả nợ vay bởi một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao; giá cả hàng hóa nông sản không ổn định; năng suất, sản lượng sản xuất, đầu ra nông sản phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, tình hình sâu bệnh đang xảy ra trên diện rộng…

Trong khi đó, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang, đơn vị có dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng lớn trong chủ trương cho vay theo Nghị định 41 cũng tâm tư rằng, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn do chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và cho vay đối với đối tượng này đang ở mức thấp; trong khi cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đang gay gắt hơn.

THẾ ANH

.
.
.