Thứ Hai, 18/11/2013, 10:07 (GMT+7)
.

"Kiện tướng trồng rau om" trên đất nhiễm phèn

Hơn 20 năm gắn bó với nghề xây dựng, năm 2008, anh trở về quê (Thân Đức, Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình. Từ 2.500 m2 đất cha mẹ cho, sau bước thử nghiệm thành công, đến nay anh Võ Văn Minh đã mở rộng diện tích trồng rau om lên đến 5,4 ha và được xem là “Kiện tướng trồng rau om” trên vùng đất thuộc “Vương quốc rau màu”.

Anh Võ Văn Minh (đứng) đang thu hoạch rau om.
Anh Võ Văn Minh (đứng) đang thu hoạch rau om.

Anh Minh cho biết, do đất của anh nằm trong khu vực bị nhiễm phèn nên chỉ thích hợp với một số loại rau như: rau má, rau om… Lúc đầu anh trồng rau má cho thu nhập khá cao nhưng thời gian sau loại rau này mắc nhiều chứng bệnh, đặc biệt là bệnh “tím lá tía tô” không có thuốc đặc trị (phải cắt bỏ). Thời điểm đó, cây rau om tuy bán rất được giá nhưng ít người trồng do rau thường mắc chứng bệnh “chết yểu” không rõ nguyên nhân.

Sau thời gian trăn trở, từ chuyến tham quan tìm hiểu mô hình trồng rau màu ở thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) do bạn bè giới thiệu, anh quyết định mua giống rau om ở đây về trồng thử. Vụ đầu tiên, anh thu hoạch 4 tấn/công (1.000 m2), tuy thời gian trồng có kéo dài hơn (65 ngày) so với giống cũ (45 ngày) nhưng bù lại, thân rau nhỏ hơn, lá không bị dúm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Nhận thấy hiệu quả mang lại khá cao, sau đó anh thuê thêm đất để mở rộng diện tích. Một số nông dân cũng đến mua giống rau om của anh về trồng và đều mang lại hiệu quả. Hiện tại, diện tích rau om của anh đã lên đến 5,4ha (trong đó đất thuê gần 5ha), mỗi năm anh thu hoạch cả ngàn tấn rau, thu lãi vài trăm triệu đồng.

Nói về kỹ thuật canh tác rau om, anh Minh cho biết: Trước khi trồng cần làm đất kỹ (làm cỏ thật sạch, xới đất tơi thành bùn), san mặt ruộng cho thật phẳng, sau đó tiến hành rải rau giống. Ban ngày, dùng máy bơm và giữ mực nước ở mức 5cm, tối tháo (duy trì liên tục 5 ngày), cho đến khi rau đâm rễ thì giữ mực nước ổn định.

Ngoài ra, sau vài lứa trồng, anh tiến hành đổi giống từ ruộng này sang ruộng khác để “rau lạ đất” nhằm khắc phục tình trạng chết yểu (bệnh héo thân và lá). “Nhờ sáng kiến trồng rau giống theo kiểu “rải” thay cho kiểu “cấy” như cấy lúa trước đây vừa giảm hao phí sức lực cho người trồng, vừa giúp tôi tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công” - anh Minh cho biết thêm.    

Trong quá trình canh tác, anh còn rút ra bài học kinh nghiệm là việc bón phân, phun thuốc cần phải tuân thủ liều lượng, thời gian. Nếu bón phân quá nhiều, rau dễ bị hư, còn nếu bón ít, rau sẽ bị teo đọt, không bán được.

Đặc biệt, việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai lần phun là 7 ngày; nếu thời gian giữa các lần phun quá ngắn, sức nóng của thuốc sẽ làm ức chế sự sinh trưởng cũng như làm rau dễ phát bệnh, kéo theo năng suất sẽ giảm... ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trước khi thu hoạch, anh ngưng phun thuốc BVTV theo sự hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thân Cửu Nghĩa nhận xét: Nhờ chí thú làm ăn, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm cùng với hiệu quả mang lại, anh Võ Văn Minh được xem là “Kiện tướng trồng rau om” trên vùng đất thuộc “Vương quốc rau màu” với thành tích nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện” và tiếp tục được cấp huyện đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.   

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.