MDEC - thương hiệu của Đồng bằng sông Cửu Long
Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - The Mekong Delta Economic Cooporation (MDEC), là hoạt động liên kết giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (UBQG - HTKTQT), các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo Quyết định 388/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, MDEC là hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng; liên kết giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước; liên kết với các tổ chức quốc tế nhằm phát huy tiềm năng toàn vùng cũng như của từng địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tham quan Hội thi Trái ngon trong khuôn khổ MDEC-Tiền Giang 2012. |
Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã qua 6 lần tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và 5 địa phương gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang theo các chủ đề trọng tâm, đã có tác động tích cực trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, phối hợp hành động chung cho vùng. Theo Ban Tổ chức MDEC, qua 6 lần tổ chức thành công, với các chủ đề: “ĐBSCL chủ động hội nhập WTO”, “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”, “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời hội nhập”, “Phát huy lợi thế sông, biển-phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL”, “ĐBSCL - Liên kết phát triển bền vững” và “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, diễn đàn đã đạt được những kết quả thiết thực, có ảnh hưởng, lan tỏa lớn trong và ngoài khu vực, góp phần vào sự phát triển cho ĐBSCL.
Qua các diễn đàn, nhiều chương trình, đề án, dự án đầy tính đột phá vì sự phát triển chung của vùng đã được đề xuất, giải quyết kịp thời. Chẳng hạn, đề nghị xem xét thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng kinh tế ĐBSCL gồm vốn ngân sách và vốn kêu gọi đóng góp; kiến nghị Trung ương chủ trì xây dựng Đề án Xúc tiến tổng thể toàn vùng ĐBSCL, đề án thành lập Trung tâm thông tin ĐBSCL tại TP. Hồ Chí Minh, đề án xây dựng chính sách đầu tư đặc thù cho vùng ĐBSCL (MDEC - Cần Thơ 2008);
Tăng đầu tư ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực, cho giáo dục - đào tạo của vùng tối thiểu phải tương đương tỷ lệ dân số của vùng, tức khoảng 22% so cả nước, nghiên cứu Đề án xây dựng doanh nhân và nông dân ĐBSCL trở thành những doanh nhân và nông dân mới - những “doanh nhân và nông dân toàn cầu” (MDEC – An Giang 2009);
Xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể những ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng ĐBSCL để vừa tìm kiếm giải pháp thích nghi, vừa làm cơ sở khoa học để thông tin trong quá trình kêu gọi đầu tư của vùng (MDEC - Kiên Giang 2010);
Xây dựng Cơ chế điều phối liên kết kinh tế nâng khả năng cạnh tranh của vùng, nâng cao hiệu lực - hiệu quả trong phối hợp hành động, điều hòa lợi ích của từng địa phương trong vùng, xây dựng mô hình các khu phức hợp hoặc cụm công nghiệp dịch vụ nông sản, thủy sản vùng ĐBSCL thích ứng quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng (MDEC - Cà Mau 2011).
Với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, MDEC – Tiền Giang 2012 đã tập hợp được tiếng nói và sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý, tiếng nói nông dân… để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây và thủy sản; tăng cường liên kết vùng ĐBSCL theo hướng trọng tâm là liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết thông qua 6 lần tổ chức MDEC, các địa phương tranh thủ giới thiệu môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi đầu tư và cơ hội đầu tư; từ đó công tác xúc tiến đầu tư từng bước khẳng định được vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của vùng, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế.
Từ khi MDEC được tổ chức lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2007 đến nay, toàn vùng đã thu hút 635 dự án đăng ký đầu tư (chiếm 87,7% tổng số dự án kêu gọi đầu tư cả vùng), đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 554 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 300 ngàn tỷ đồng và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5 tỷ USD. Cho đến thời điểm này, MDEC đã trở thành thương hiệu của vùng ĐBSCL, của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Với chủ đề: “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, MDEC - Vĩnh Long 2013 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh. Phát triển kinh tế xanh là cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đây là mục tiêu mà vùng ĐBSCL cần hướng đến.
Thông qua MDEC - Vĩnh Long 2013 cũng nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục các dự án; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các bộ, ngành Trung ương.
Thực hiện công tác an sinh xã hội, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng (trường học, bệnh viện…), xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn. Tập hợp những sáng kiến, đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp thích hợp để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng…
THẾ ANH