MDEC - Vĩnh Long 2013: Để không còn tình trạng "mạnh ai nấy làm"
Theo Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) , qua 6 năm tổ chức MDEC (từ năm 2007 đến nay), các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã thu hút 635 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Vì thế, mổ xẻ nguyên nhân và định ra giải pháp cho công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) luôn là vấn đề đặt ra tại hội nghị XTĐT trong các lần tổ chức MDEC.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia BGI (nay là VBL Tiền Giang) - doanh nghiệp FDI đầu tiên tại KCN Mỹ Tho. |
Cần một “ nhạc trưởng”
Theo nhận định của các đại biểu tham gia các hội nghị XTĐT, qua các lần tổ chức MDEC, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Diễn đàn đã tập hợp được sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cán bộ quản lý cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương; qua đó tính liên kết vùng, liên kết giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh được nâng cao và ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tổ chức một số cuộc hội thảo, hội nghị về công tác XTĐT thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số kiến nghị sau hội nghị, hội thảo chưa được thực hiện triệt để, điển hình như cơ chế liên kết vùng đến nay việc triển khai vẫn còn vướng mắc. Công tác XTĐT tuy được quan tâm nhưng số dự án triển khai còn ít. Diễn đàn được tổ chức hàng năm với chủ đề, nội dung khác nhau nhưng không tránh khỏi sự trùng lắp, thiếu sự thu hút quan tâm của cộng đồng.
Đánh giá về những khó khăn trong công tác XTĐT thời gian qua, ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng BCĐ Tây Nam bộ cho rằng quỹ đất sạch là yếu tố quan trọng, nhưng luôn là vấn đề khó cho công tác thu hút, mời gọi đầu tư. Công tác cải cách hành chính tuy được hoàn thiện dần nhưng sự phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án trước và sau khi cấp phép đầu tư vẫn chưa thông suốt. Thông tin XTĐT còn thiếu, sự lựa chọn dự án theo ý của địa phương và phù hợp với điều kiện của nhà đầu tư vẫn còn một khoảng cách nhất định; có dự án ngoài quy hoạch và nhiều dự án có trong quy hoạch nhưng không tìm được nhà đầu tư.
Ngoài ra, cũng theo ông Sương thì môi trường đầu tư của vùng chưa thật sự hấp dẫn. Hoạt động XTĐT ở ĐBSCL chưa có định hướng rõ ràng, còn làm theo phong trào và không có cơ chế phối hợp giữa các địa phương. Nhiều hoạt động mang tính dàn trải, phân tán, có nhiều hội thảo XTĐT, hội chợ triển lãm diễn ra cùng ngày, kinh phí lớn trong khi hiệu quả mang lại không cao và không thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Các hoạt động XTĐT, triển lãm có nhiều nhưng lại thiếu những hội chợ chuyên đề, như: du lịch, cá, lúa, tôm… để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.
Nhà máy chế biến trái cây - một trong những dự án cần đầu tư ở khu vực ĐBSCL. Trong ảnh: Chế biến khóm xuất khẩu tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang. |
Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm XTĐT tỉnh Tiền Giang thì cho rằng quy hoạch vùng là vấn đề quyết định cho sự liên kết phát triển khu vực ĐBSCL, cần xác định rõ tỉnh nào làm cái gì, phát huy thế mạnh của từng tỉnh, nhằm tránh trùng lắp trong quy hoạch của các tỉnh. Tuy nhiên, trong liên kết vùng cần có một “nhạc trưởng” làm đầu tàu, trong đó vai trò của BCĐ Tây Nam bộ và các bộ, ngành Trung ương là rất quan trọng.
Và một cơ chế đặc thù
Để đẩy mạnh công tác XTĐT trong thời gian tới, tại hội nghị XTĐT trong MDEC - Tiền Giang 2012, Ban chỉ đạo đã đề ra một số giải pháp cơ bản. Cụ thể: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định về ưu đãi đầu tư thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Hoàn thiện đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương, kết hợp nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án thứ cấp. Có chính sách ưu đãi đặc biệt với các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch về nguồn vốn, lãi suất, thuế, đất đai với các tổ chức cá nhân đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2013, cả vùng ĐBSCL đã thu hút thêm 269 triệu USD vốn FDI; trong đó có 24 dự án mới, với vốn đăng ký 172 triệu USD và 14 dự án tăng vốn, với 97 triệu USD. Tiền Giang, Long An, Kiên Giang dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút vốn FDI trong 9 tháng của năm 2013. Việc thu hút vốn FDI vào ĐBSCL chỉ chiếm 7% so với cả nước, thật sự chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực không đủ đáp ứng, môi trường đầu tư chậm được cải thiện, chính là những điểm yếu làm hạn chế nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực. |
Kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL và cơ chế chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL. Bộ KH-ĐT xây dựng đề án XTĐT chung cho vùng ĐBSCL dựa trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh trong thu hút đầu tư.
Nghiên cứu thành lập Trung tâm XTĐT vùng ĐBSCL với cơ chế là ngân sách Trung ương nhưng thuộc Bộ KH-ĐT để hỗ trợ công tác XTĐT cho cả vùng, nhất là vùng kinh tế trọng điểm.
Nâng cao chất lượng quy hoạch các ngành, vùng, các sản phẩm quan trọng, khuyến khích dành ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển các ngành nghề, sản phẩm là thế mạnh của vùng.
Đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vùng xây dựng, quảng bá thương hiệu về các sản phẩm nông sản, thủy sản. Tổ chức một showroom đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh dành cho các tỉnh ĐBSCL để giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hóa và thực hiện giao dịch; đồng thời xây dựng chương trình xúc tiến xuất khẩu với một số mặt hàng chủ lực của vùng để liên kết các tỉnh thực hiện.
Đề nghị Bộ VH-TT-DL hỗ trợ vùng ĐBSCL có một đầu mối cấp khu vực để tập hợp, giới thiệu các dự án đầu tư về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghiên cứu, tổ chức hội thảo trao đổi về việc xây dựng các mô hình phát triển du lịch của từng tỉnh, thành trong khu vực để tránh sự trùng lắp trong đầu tư các sản phẩm du lịch, nhằm tạo sự đa dạng, độc đáo của từng địa phương trong tiếp đón, phục vụ du khách.
DUY SƠN