Thứ Hai, 18/11/2013, 05:47 (GMT+7)
.

Nhà vườn háo hức chuẩn bị mùa trái cây Tết

Đến hẹn lại lên, cứ đến những tháng cuối năm là nhà vườn bắt đầu công việc chăm sóc, xử lý vườn cây ăn trái để cho thu hoạch trái đạt năng suất và chất lượng cao phục vụ Tết Nguyên đán.

Nhộn nhịp nhất phải kể đến những vườn cây cho trái dùng để chưng trên mâm ngũ quả, những trái cây thuộc hàng “độc” tô điểm thêm màu sắc, vẻ đẹp trong những ngày Tết với mong muốn một năm mới dồi dào, sung túc.

Để có trái khóm phụng bung xòe đuôi thật đẹp trong mấy ngày Tết, nông dân phải xử lý bằng khí đá từ tháng 8 âl.
Để có trái khóm phụng bung xòe đuôi thật đẹp trong mấy ngày Tết, nông dân phải xử lý bằng khí đá từ tháng 8 âl.

Hàng năm, cứ đến tháng 4 âl là anh Trần Văn Sắt, ấp Phú Hòa (Long Khánh, Cai Lậy) bắt đầu xử lý bưởi da xanh của vườn nhà mình bằng cách xới đất xung quanh gốc, bón phân, tưới nước cho cây ra bông nhiều vào tháng 5, tháng 6, để thu hoạch trái tập trung cung ứng thị trường Tết Nguyên đán.

Năm nay cũng vậy, công việc ấy đã được anh thực hiện từ hơn 5 tháng trước. Hiện tại, 20 cây bưởi của gia đình anh đã cho trái với trọng lượng trên dưới 1 kg/trái. Đặc biệt, năm nay  việc xử lý có phần nhộn nhịp hơn do Tết năm rồi bưởi da xanh “sốt” giá và sau đó giữ giá ở mức cao trong thời gian dài nên bà con rất phấn khởi và hy vọng vào vụ Tết năm nay cũng sẽ tiếp tục được giá.

“Bưởi cho trái quanh năm nhưng để có sản lượng nhiều, trái đẹp phục vụ nhu cầu chưng, ăn trong mấy ngày Tết của người dân và bán được giá cao, nhà vườn phải xử lý, tăng cường chăm sóc từ nhiều tháng trước đó”- anh Sắt cho biết.

Không riêng gì gia đình của anh Sắt mà hầu hết các hộ trồng bưởi ở ấp Phú Hoà cũng làm công việc này từ nhiều tháng trước. Nhiều người dân nơi đây cho biết, dù giá cao hay thấp, năm nào cũng vậy, ở đây bao giờ cũng có lượng bưởi khá dồi dào để bán Tết. Có hộ chỉ xử lý một phần vườn để bán trong Tết, một số để lại bán ngoài Tết; có hộ xử lý hết vườn để tập trung bán thị trường Tết. Điều này đã trở thành cách làm quen thuộc như “đến hẹn lại lên” của người trồng bưởi nơi đây và cũng là cách để nhà vườn có thêm thu nhập tiêu xài trong mấy ngày Tết.

Anh Thái Văn Đua, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh ấp Phú Hòa (Long Khánh, Cai Lậy) cho biết, tổ có 40 hộ trồng bưởi da xanh với 20 ha. Đến thời điểm này, tất cả các vườn bưởi trong tổ đều đã được xử lý. Hiện tại, nhà vườn đang tất bật chăm sóc để bưởi thu hoạch cho trái đẹp, to và đúng Tết. Theo anh Đua, năm nay người dân trồng bưởi rất háo hức chuẩn bị cho bưởi Tết do giá bưởi thời gian qua ở mức cao và rất ổn định. Hơn nữa, hiện tại giá bưởi cũng khá cao. Trong khi đó, giá bưởi Tết năm rồi “sốt” cũng làm cho nhà vườn trồng bưởi có cơ sở đặt niềm tin và kỳ vọng vào vụ bưởi Tết năm nay.

“Bưởi Tết năm rồi đạt giá kỷ lục 40.000 - 60.000 đồng/kg. Nhiều khả năng giá bưởi Tết năm nay cũng sẽ cao. Điều này hoàn toàn có cơ sở; bởi một mặt giá bưởi đang giữ đà rất cao; mặt khác, vừa qua có đợt sâu đục trái đã làm khoảng 20-30% trái bưởi bị hư, từ đó cho thấy sản lượng bưởi Tết năm nay sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều” - anh Đua dự báo. Anh Đua ước tính, sản lượng bưởi da xanh bán Tết năm nay của tổ không dưới 100 tấn.

Nằm trong các loại trái cây rất được người dân ưa chuộng dùng để chưng trên mâm ngũ quả trong 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc, khóm cũng đang được nông dân chăm sóc, xử lý phục vụ Tết, nhất là các loại khóm phụng, khóm son. Với hình dáng lạ mắt, màu sắc sặc sỡ, loại khóm có “thịt” dai này lại không sợ bị “đụng hàng” với các loại trái cây khác nên rất được các thương lái “săn” hàng vào các dịp lễ, Tết.

2 giống khóm này được trồng nhiều ở huyện Tân Phước và huyện Cái Bè. Theo những người dân trồng khóm phụng, khóm son ở Tân Phước, để có khóm bán Tết, ngay từ tháng 8 âl, nhà vườn bắt đầu xử lý khóm bằng khí đá. Loại khóm này thương lái yêu cầu cao về hình dáng, màu sắc nên việc bón phân, chăm sóc để khóm cho trái đẹp và “độc” rất được nông dân chú trọng.

Nhà vườn ấp Phú Hòa, xã Long Khánh (Cai Lậy) đang chuẩn bị bưởi Tết.
Nhà vườn ấp Phú Hòa, xã Long Khánh (Cai Lậy) đang chuẩn bị bưởi Tết.

Mùa Tết cũng là vụ thuận của vú sữa, xoài... Nhưng để có số lượng trái to, đẹp được nhiều phục vụ thị trường cuối năm vốn rất khắt khe, những nhà vườn trồng các loại cây ăn trái này cũng đang tất bật không kém. Đây là yếu tố quan trọng làm nên thị trường trái cây Tết sôi động, phong phú. 

Bà Thái Thị Bông, ấp Mỹ (Kim Sơn, Châu Thành) có 2 công vú sữa, 2 công sa pô đang cho trái. Đến thời điểm hiện tại, vườn vú sữa của bà cho trái bằng cổ tay, khả năng chín rộ vào tháng 11, 12 âl. Còn sa pô cũng đang mang trái, sẽ cho thu hoạch rộ vào vào tháng 11, 12 âl. Dù không nhiều như mọi năm nhưng uớc tính sản lượng sa pô thu hoạch vào cuối năm khoảng 2-3 tấn. Theo bà, mọi năm vào thời điểm này mỗi lần thu hoạch hơn 100 kg sa pô, trong khi hiện giờ chỉ từ 50-70 kg. Nhưng bù lại, giá sa pô liên tục ở mức cao, có lúc giá lên đến 40.000 đồng/kg.

“Năm rồi, vú sữa cho thu hoạch rộ ngoài Tết và bán giá thấp; trong khi vú sữa trong Tết giá cao nhưng không có nhiều để bán. Sa pô Tết năm rồi có giá cũng khá cao. Hy vọng giá vú sữa, sa pô bán vào dịp Tết năm nay không thấp, để gỡ lại phần nào thất thu do sụt giảm sản lượng”- bà Bông nói.

Trái cây Tết yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã, đòi hỏi nhà vườn phải xử lý, chăm sóc công phu mới cho ra những trái đẹp phục vụ thị trường Tết. Bù lại, nhà vườn có cơ hội bán sản phẩm mà mình đã chăm sóc hàng tháng trời với giá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc xử lý, chăm sóc cây ăn trái cho vụ Tết đã trở nên rất phổ biến, kéo theo đó giá cả vụ Tết càng trở nên khó đoán. Dù vậy, mỗi vụ Tết, nhà vườn lại háo hức, tất bật xử lý để có nông sản, góp phần làm phong phú thêm cho thị trường Tết.

N.VĂN

.
.
.